Trên đà phá sản, thay đổi chiến lược thương hiệu đã cứu sống BÒ+
- Người viết: Huyền Phương lúc
- Tin tức
Bài viết của anh Trần Anh Tuấn - chia sẻ tại GROUP "quản trị & khởi nghiệp"
Khi còn làm việc ở công ty cũ, tôi đã ấp ủ giấc mơ về một thương hiệu chuyên phục vụ bò beefsteak, với hương vị khắp thế giới cho người Việt.
Sau khi thất bại lần đầu với mô hình trà sữa & pizza, với số tiền tích lũy ít ỏi còn lại, tôi quyết tâm khởi nghiệp lần 2. Tháng 4/2016, “Quán Bò+ - Món ngon dĩa né” ra đời.
Trước khi khai trương quán, tôi đi ăn thử và quan sát rất nhiều từ các chuỗi beefsteak đã có tên tuổi lúc đó, như: Nam Sơn, TiTi, Bonjour Resto, Hai Con Bò, Papaxot…, cả những thương hiệu nước ngoài: Sizzlers, Pepperlunch. Tôi học hỏi và sao chép mỗi nơi một ít. Và thương hiệu mà tôi “bắt chước” nhiều nhất là HCB, vì lúc đó họ mạnh nhất ở Saigon, 8 chi nhánh lúc nào cũng đông khách. Menu cũng giống 40%, concept & không gian màu xám xám với bàn ghế thấp cũng giống hao hao. Ngay cả đồng phục và cái bảng hiệu cũng xám luôn. Một màu xám lạnh, u ám.
Tự cao ngu ngốc với kinh nghiệm quản lý chuỗi nhà hàng trước đó, cứ nghĩ là chỉ cần quản lý & kiểm soát thật tốt là sẽ thành công. Nhưng sai, sai be bét. Suốt hơn 2 năm rưỡi trời, Quán Bò+ chúng tôi toàn bù lỗ, may mắn lắm thì được hòa vốn vào các tháng cuối năm. Mặc dù khách hàng cũ có quay lại vì chất lượng sản phẩm và dịch vụ, nhưng khách hàng mới thì rất ít. Mặc dù tôi có cải tiến sản phẩm rất nhiều, làm đa dạng thêm các món ăn trên menu, nhưng doanh số mãi èo uột. Mà các bạn biết rồi đó, khi không có dòng tài chính thì mọi thứ đều nằm trong vòng luẩn quẩn. Giậm chân tại chỗ chắc chắn sẽ tụt hậu, không phát triển ắt sẽ sụp đổ mà thôi. Sâu thẳm bên trong tôi biết mình phải làm gì đó.
Tháng 11/2018, tất cả trong người còn hơn 20 triệu. Tôi đi khảo sát giá thay đổi bộ nhận diện thương hiệu ở các agency có uy tín (vì tôi biết không chỉ là cái logo, mà cần thay đổi về chiều sâu nữa), chỗ nào cũng báo hơn 100 triệu. Không có cách nào khác tôi phải tự xoay sở, mua sách về đọc và tìm hiểu Chiến lược thương hiệu là gì?
May mắn, tôi gặp được một nhóm bạn trẻ khởi nghiệp ở mảng branding agency. Mấy founders ở đây cũng xuất thân từ các agency lớn. Lúc đó, vì là start-up và sau khi nghe tôi thuyết minh “tâm huyết” về đứa con tinh thần của mình, họ đã tái sinh “Chú Bò Vui Vẻ” & câu slogan đầy cảm hứng “Vị Bò Năm Châu” chỉ với giá rất start-up, chỉ 5 triệu đồng. Tiếp sau đó, may mắn hơn, tôi được sự tư vấn sâu sắc, tận tình của Thầy Tạ Minh Tuấn để chọn được mẫu logo phù hợp với mô hình Bò+ của mình. Em nhớ mãi và xin tri ân Thầy ạ.
Có logo là một chuyện, việc cần làm là thay toàn bộ nhận diện thương hiệu cho Bò+, từ ngoài vào trong. Tôi đi vay người bạn thêm được 40 triệu để thực hiện kế hoạch “đổi đời” của Bò+, lúc đó niềm tin ghê gớm lắm: 1 là lên luôn, 2 là dẹp nghỉ khỏe. Bảng hiệu thì có chỗ làm, còn bên trong thì tôi, cùng Ba tôi và mấy đứa em chia nhau mà sửa chữa, sơn phết.
Tôi nhớ mãi 2 ngày hôm ấy: 19 & 20/12/2018 – 2 ngày của PHÉP MÀU.
Bạn có thể không tin nhưng đó là sự thật, là một phép màu. Ngay cả tôi lúc đó còn không tin vào mắt mình, và không biết gọi ngày đó là gì nữa: với tất cả sự kết hợp của phong thủy, tâm linh, sự may mắn trời thương & cả lòng người. Từ 4/2016 đến 19/12/2020, chưa bao giờ doanh thu trung bình vượt qua con số 8 triệu/ngày. Ngày 19/12, chúng tôi lên bảng hiệu mới. Và từ ngày 20/12 đến cuối tháng đó, doanh thu trung bình tăng lên 40% so với những tháng trước đó. Và doanh thu các tháng tiếp theo, tiếp tục tăng 120%, 150%.... Rồi doanh thu cứ tăng tịnh tiến 5-10% so với những tháng có doanh thu cao nhất trước đó, mà ngân sách marketing gần như 0đ. Một sự biến đổi 1000%, UNBELIEVABLE! Nhờ đó, từ lúc sắp buông xuôi, phá sản, chúng tôi đã vực dậy, trả hết nợ nần và có cơ hội phát triển. Đến giờ, Nhà Bò+ có thêm 2 con và một đứa em Bò Cười nữa.
Sau đó, tôi tham gia các khóa học về thương hiệu của Thầy Nguyễn Đức Sơn ở học viện Plato, tôi biết được vô tình mình đã làm đúng. Thay đổi bộ nhận d iện thương hiệu cho Bò+ Beefsteak chỉ là một phần rất nhỏ trong một “chiến lược thương hiệu” lớn, bao trùm năng lực lõi, khác biệt hóa, tập trung và xuyên suốt. Duyên may, tôi gặp được Hoàng Quân, em đã đồng hành & giúp tôi hoàn thiện hơn chiến lược thương hiệu của Bò+: Sharing Happiness. Dần dần, chúng tôi tập trung hơn vào sản phẩm và concept truyền thông của mình (có dịp, tôi sẽ chia sẻ thêm về chiến lược sản phẩm, trong một đại dương “đỏ lòm” mênh mông).
Một điều nữa, sau các đợt dịch vừa qua, rất nhiều nhà hàng và các mô hình F&B đã rời đường đua. Nhưng Bò+ vẫn còn ở lại đây, và sẽ mạnh mẽ hơn xưa. Chúng tôi chưa phải là một thương hiệu lớn, nhưng chúng tôi biết mình cần làm gì và kiên trì, tập trung sâu sắc vào giá trị cốt lõi và điểm mạnh nhất của mình. Các từ khóa “bò”, “bít tết”, “steak” được user của các apps quan tâm, đặt hàng nhiều nhất. Bò+ chắc chắn chỉ có bán beefsteak và mang đến niềm vui cho khách hàng ăn beefsteak ở Bò+. Doanh số online đang giúp chúng tôi cầm cự qua giai đoạn khó khăn này.
Tôi đã đọc, học và áp dụng thành công những bài học về xây dựng thương hiệu từ gốc rễ, từ chính năng lực lõi & tính cách “chân thành” của đội ngũ chúng tôi. Tôi thường chia sẻ câu chuyện “xương máu” này, và cả những kiến thức tôi thấm được ở các khóa học ở nhiều buổi offline cho bạn bè và các đồng môn ở những khóa học quản trị khác. Tôi tâm nguyện chia sẻ để chúng ta cùng thành công bền vững. Bạn hiểu và làm đúng từ đầu thì đỡ mất tiền ngu, thời gian vàng bạc và cả “mô hôi, nước mắt” giống như tôi. Tôi sẵn sàng chia sẻ cho người cần.
Mỗi lần tôi nhớ, kể lại khoảnh khắc thay đổi bảng hiệu, là tôi “nổi da gà”. Một cảm xúc kỳ diệu và biết ơn khó tả. Cám ơn mọi người vì tất cả.
Chúc cả nhà cuối tuần hạnh phúc & bình an.
Xem thêm:
Recap: "Kinh nghiệm áp dụng chuyển đổi số cho doanh nghiệp"
Kiến thức cơ bản cho những người muốn mở Công ty, hay Startup