Startup cần làm gì để tìm được khách hàng xuất khẩu?

Tìm và chinh phục khách hàng (B2B) nội địa ngay trên sân nhà đã khó, vậy làm cách nào để Startup tìm được khách hàng xuất khẩu? Hôm nay mình sẽ chia sẻ một số gợi ý đến các bạn.

Bước 1 – CHUẨN BỊ

Cũng giống như một chàng trai đang muốn tìm tình yêu của mình, trước khi “đi tìm” thì cũng phải dừng lại một chút nhìn nhận bản thân: Profile mình ngon nghẻ chưa, đủ gây ấn tượng người ta chưa; Nhan sắc mình hiện tại đã “hấp dẫn” chưa; Kinh tế mình ổn không để khi có bồ mình lo được cho người ta... Thì Startup trước khi công cuộc đi tìm khách hàng xuất khẩu, đừng quên chuẩn bị những yếu tố quan trọng sau đây:

Trong các bài chia sẻ trước mình đã phân tích khá kỹ nhưng mình vẫn muốn nhấn mạnh lại vì khâu chuẩn bị rất quan trọng).

  • Đăng ký sở hữu trí tuệ: Bạn cần đăng ký sở hữu trí tuệ thương hiệu của bạn ở Việt Nam và sau đó đăng ký tại các thị trường xuất khẩu mà bạn nhắm tới. Chi phí cho việc này không cao nhưng giá trị mang lại rất lớn, bạn nên làm ngay khi bắt đầu nhé.

  • Website: Đảm bảo website của bạn đầy đủ thông tin, thiết kế web nên sắp xếp logic và bắt mắt, đặc biệt dung lượng web nên đảm bảo để tốc độ ko bị chậm hoặc đơ, nên có câu chuyện khởi nghiệp. Website khởi điểm ít nhất có song ngữ Việt-Anh còn tốt hơn là có thêm ngôn ngữ của những thị trường xuất khẩu mục tiêu. Trang web là nơi đầu tiên mà khách hàng sẽ tìm hiểu sau khi nhận được offer của bạn, nếu Website không tối ưu khả năng cao là khách sẽ rời đi và ném offer của Bạn vào sọt rác.

  • Đa dạng hóa danh mục sản phẩm: Chất lượng sản phẩm thì miễn bàn vì nó quan trọng bậc nhất, ở đây là sự đa dạng danh mục sản phẩm, nên có ít nhất 10 sản phẩm để khách hàng có thể lựa chọn. Thời ban đầu Dh Foods cũng chào hàng thất bại ngay cả với khách nội địa chưa nói đến xuất khẩu vì danh mục quá ít mã.

  • Bao bì: Nếu bao bì được thiết kế linh hoạt để có thể thay đổi tem nhãn thì quá tốt, khách hàng xuất khẩu sẽ rất vui khi sản phẩm được in bằng ngôn ngữ theo yêu cầu của họ. Đặc biệt cân nhắc kĩ với các loại bao bì phải đầu tư trục in vì chi phí đầu tư trục cao, mỗi lần thay đổi phải thay trục in, MOQ của loại bao bì này cũng sẽ rất lớn. Từ đó sẽ dẫn đến trường hợp bỏ thì thương vương thì tội.

  • Trọng lượng & kích thước bao bì: Mới đầu không nên offer size sản phẩm lớn quá vì người tiêu dùng nước ngoài cũng muốn dùng thử mà không cần bỏ ra quá nhiều tiền. Nếu bán theo size lớn từ đầu sẽ khiến người tiêu dùng e dè mua lần đầu. Hơn nữa đóng size nhỏ cũng sẽ an toàn hơn trong quá trình lưu trữ và bảo quản nhất là với xuất khẩu phải mất thêm cả tháng thời gian vận chuyển hàng.

  • Phát triển kinh doanh nội địa: Khách hàng xuất khẩu thường đánh giá cao các sản phẩm đã được kiểm chứng bởi người tiêu dùng nội địa vì không ai muốn làm chuột thí nghiệm cả. Vì vậy, bạn cần đẩy mạnh kinh doanh nội địa, nhất là trên các kênh thương mại điện tử, còn vào được hệ thống siêu thị thì càng tốt.

Đương nhiên là còn rất nhiều yếu tố khác nữa, tuy nhiên sau khi hoàn thành các bước quan trọng trên bạn có thể bắt đầu đi tìm khách hàng xuất khẩu được rồi.

Bước 2 – XUẤT KÍCH

Các chàng trai sau khi thấy bản thân mình “ngon nghẻ” rồi, sẽ cần biết nơi nào có nhiều đối tượng tiềm năng, chỗ nào giúp mình tăng khả năng gặp gỡ “người ấy” phải không? Tương tự thì sau đây là một số kênh mà mình gợi ý các bạn có thể tìm được khách hàng xuất khẩu:

  • Nên đăng ký tham gia các triển lãm chuyên ngành, ban đầu có thể là triển lãm trong nước sau khi có kinh nghiệm tổ tổ chức và ngân sách tốt hơn thì đến các triển lãm nước ngoài. Với mình đây là kênh tìm kiếm tối ưu nhất vì thường nhà nhập khẩu sẽ đến các triển lãm để tìm kiếm nhà cung cấp và mặt hàng mới.

  • Theo dõi và đăng ký tham gia các chương trình giao thương, xúc tiến thương mại của các cơ quan nhà nước như: Bộ công thương (MOIT), Cục Xúc Tiến Thương Mại (VIETRADE), Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) hoặc các hiệp hội xuất nhập khẩu để có cơ hội kết nối với doanh nghiệp nước ngoài.

  • Tìm kiếm khách hàng xuất khẩu trên các sàn thương mại điện tử quốc tế như Amazon, Alibaba..

  • Tham gia các cộng đồng người Việt sống tại các nước sở tại, xa hơn có thể tuyển cộng tác viên Xuất khẩu là người Việt sống tại các quốc gia này vì họ có kinh nghiệm và có network.

Nếu bạn nào còn kênh tìm kiếm khác cho mình thêm ý kiến nhé. Chúc các bạn sớm tìm được khách hàng xuất khẩu “chân ái” của mình. 

Nguồn: Sếp Trung Dung Nguyen

Xem thêm: 

Startup nên phát triển ngay mô hình chuỗi hay không?

Kiến thức cơ bản cho những người muốn mở Công ty, hay Startup

Cách để tạo " Tư duy phát triển" cho Startup của bạn

Tags: startup
← Bài trước Bài sau →