Micro Fulfillment Center - Mảnh ghép còn thiếu cho Quick Commerce tại Việt Nam

Mọi người có thể tham gia group Tăng Trưởng Thực Chiến để đọc thêm các bài viết tương tự nhé.

Khái niệm Micro Fulfillment Center (MFC) ở Việt Nam có lẽ còn xa lạ với nhiều người nhưng với các anh em trong ngành E-commerce vốn đã quen với dịch vụ hoàn tất đơn hàng (Fulfillment - FFM) thì dịch vụ này cũng có khá nhiều nét tương đồng.

FFM là gì?

Bắt đầu từ concept Fulfillment by Amazon rất thành công và làm mưa làm gió tại thị trường Mỹ, Lazada cũng bắt đầu bước vào cuộc chơi FFM rất sớm từ những năm 2014 ngay sau khi phát triển mô hình marketplace tại Việt Nam. Lúc bấy giờ, FBL (Fulfillment by Lazada) tập trung giải quyết nỗi đau về năng lực vận hành thương mại điện tử của các seller ở Việt Nam còn thấp. Việc xây dựng quy trình, đầu tư máy móc, công nghệ để lấy hàng và đóng gói sản phẩm cho vài trăm đơn hàng là cả một bài toán lớn với nhiều seller lúc bấy giờ. Ngoài ra, rất nhiều nhãn hàng lớn hoàn toàn không có phòng ban chuyên biệt cho E-commerce nên cũng gặp nhiều khó khăn để thuyết phục họ đặt gian hàng trên Lazada. FBL phần nào giải quyết được bài toán vận hành E-commerce để các seller tập trung vào công việc chuyên môn là phát triển sản phẩm và quản lý marketing. Một năm sau đó, Boxme xuất hiện và có lẽ là đơn vị làm FFM chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam. Hiện tại, dịch vụ FFM cũng đã có nhiều tay chơi với nền tảng kho bãi công suất lớn như Giao Hàng Nhanh, VnPost, Eton, Onpoint… mặc dù cũng còn gặp phải nhiều rào cản để phát triển hơn các nước khác trong khu vực.

MFC là gì?  

Mô hình MFC thường có kích thước nhỏ hơn rất nhiều so với những FFM center hàng nghìn mét vuông. MFC thường được đặt ở những vị trí dân cư đông đúc trong thành phố để tạo thành một mạng lưới hoàn tất đơn hàng giàu tốc độ. MFC được phát triển cùng với mô hình Quick Commerce để rút ngắn thời gian giao hàng đến người dùng và giảm thiểu chi phí chặng giữa (line-haul cost). Một trong những biến thể của MFC chính là mô hình dark store và cloud kitchen mà thỉnh thoảng chúng ta cũng hay nghe nhắc đến. Các chuỗi và nhãn hàng lớn có nhiều lợi thế trong việc ứng dụng MFC phát triển online với mạng lưới cửa hàng cùng lượng lớn khách hàng trung thành. Ngược lại, trên thị trường chưa có đơn vị cung cấp giải pháp MFC cho các doanh nghiệp nhỏ khiến chi phí chuyển đổi vận hành lên Quick Commerce gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp lúc đó đứng giữa 2 phương án: hoặc phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ để tăng độ phủ, hoặc đầu tư vận hành hệ thống dark store.

Dù lựa chọn phương án nào, việc mở rộng chuỗi và vận hành dark store chưa bao giờ là đơn giản, đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, nghiên cứu kỹ thị trường cùng nhân khẩu học khách hàng, đội ngũ quản lý nhiều kinh nghiệm chuẩn hóa quy trình, tối ưu SKUs… thêm vào đó là nền tảng công nghệ cao hỗ trợ.

Tất nhiên kể cả khi có đơn vị cung cấp giải pháp MFC cho các doanh nghiệp nhỏ thì cũng còn đó 4 thách thức cốt lõi cần được giải quyết khi áp dụng mô hình MFC:

1. Nhu cầu khó đoán của khách hàng: Ngày nay chúng ta có thể dễ dàng nắm bắt data và biết được lịch sử mua hàng của khách. Tuy nhiên rất nhiều yếu tố khác có thể quyết định đến doanh thu từ các sản phẩm khác nhau trong tương lai. Không phải lúc nào big data hay AI cũng có thể giúp chúng ta phán đoán chính xác khách hàng sẽ mua gì.

2. Hết hàng ( Out-of-stock): Đặc biệt với những sản phẩm tươi sống có hạn sử dụng ngắn, lượng tồn kho trong các MFC có thể không đủ để luôn còn hàng cho khách mua. Nếu việc hết hàng xảy ra nhiều lần, khó lòng để khách hàng duy trì thói quen mua thực phẩm online.

3. Độ đa dạng hàng hóa: Với không gian nhỏ, MFC thường sẽ phù hợp với một số lượng SKU không quá lớn (và thường là các SKU bán chạy). Việc xác định các sản phẩm nào sẽ đặt trong MFC cũng không phải là chuyện dễ dàng bởi không phải lúc nào sản phẩm bán chạy nhất cũng là sản phẩm đem lại nhiều lợi nhuận nhất cho doanh nghiệp.

4. Tần suất nhập bổ sung hàng hóa: Thường các MFC sẽ phải được bổ sung hàng hóa khi lượng tồn kho không còn đủ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Việc xác định mức độ tồn kho tối thiểu, phương án nhập kho nhanh, hạn chế thời gian đóng gói… sẽ khác hơn rất nhiều ở MFC so với các kho lớn truyền thống.

Nhớ lại cách đây 7 năm, mình cũng chưa dám tin sẽ có ngày những mô hình Automatic Sorting Center sẽ được “phổ cập” cho các công ty logistics như bây giờ. Có thể MFC hiện tại nghe còn hơi viển vông, nhất là khi các mô hình startup đang gặp nhiều áp lực, nhưng mình tin trong tương lai MFC sẽ trở thành cầu nối giúp các doanh nghiệp nhỏ đánh trận Quick Commerce sòng phẳng với các chuỗi. Let’s wait and see!

Nguồn: John Nguyen

 

← Bài trước Bài sau →