Tương lai của Thương Mại Điện Tử?

Mình được hỏi câu này cách đây 5 năm, lúc còn làm speaker cho 1 event sinh viên. Nay dịch có dịp rảnh rỗi đọc thêm về ngành nên chia sẻ đôi chút về khái niệm tuy lạ mà quen - Quick Commerce (QCom).

QCom những ngày đầu

Như tên gọi, Quick Commerce là mô hình thương mại nhanh với toàn bộ quá trình mua và hoàn tất giao hàng chỉ xảy ra trong khoảng thời gian ngắn (thường là <1h).

Mô hình đầu tiên của QCom xuất hiện chính là F&B Delivery (Giao Đồ Ăn) nhờ vào đặc thù sản phẩm không thể vận chuyển bằng hình thức khác. Tại Việt Nam, những nền tảng F&B Delivery xuất hiện khá sớm, có thể kể đến ngày trước có Eat.vn, OrderFood.vn, HungryPanda.vn nhưng đều không thể tồn tại bởi lúc bấy giờ hệ thống logistics ở Việt Nam chưa đủ mạnh để hỗ trợ việc giao hàng 1h. Thị trường giao đồ ăn chỉ bắt đầu khởi sắc khi Vietnammm (bây giờ là Baemin) mua lại Hungrypanda (lúc đó đã đổi tên thành Foodpanda) và Foody đầu tư vào dự án DeliveryNow (bây giờ là ShopeeFood) năm 2015. Từ sau 2015, khi các đơn vị on-demand logistics bắt đầu phát triển với Grab, Uber, Ahamove, Lalamove... thì thị trường F&B Delivery mới trở thành một vùng đất màu mỡ. Sự phát triển vượt bậc của ngành trong vài năm trở lại đây cho thấy thị trường vẫn còn những tiềm năng to lớn chưa khai phá hết.

Đứng sau F&B thì Grocery (thực phẩm tươi sống) cũng là sản phẩm có yêu cầu giao nhanh do tính chất hàng hóa. Mô hình Grocery Delivery (đi chợ hộ) cũng xuất hiện khá sớm với Umart, Greenbag thời đầu. Sau này nhiều startup khác cũng ra đời nhưng chưa có được thành công tương tự như Redmart ở Singapore hay HappyFresh ở Indonesia. Sự tiện lợi của xe máy tại Việt Nam và các chợ tạm ở hầu hết các khu vực khiến cho người dân khó từ bỏ thói quen tự mua thực phẩm của mình. Thậm chí ngay cả khi các app gọi đồ ăn phát triển thêm mảng Grocery (GrabMart, NowMart, BaeminMart...) thì lượng transaction cũng còn quá nhỏ để so sánh với F&B. Bước ngoặt của ngành có lẽ đến khi TPHCM bước vào giai đoạn giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 và đóng cửa chợ truyền thống. Lúc này, những cái tên như Choop, Kamereo, Mio, Foodmap... mới thực sự được giới thiệu và biết đến rộng rãi hơn trong cộng đồng. Thậm chí những ông lớn như BigC, Coop, Bachhoaxanh cũng phải chuyển đỗi số để bắt kịp xu hướng thay đổi hành vi người dùng. Ngay cả sau khi TPHCM mở cửa, thói quen mua thực phẩm của người dân có lẽ cũng sẽ chuyển dịch nhiều hơn về hướng online.

Ngoài F&B và Grocery thì các mặt hàng khác cũng đã bắt đầu với thương mại nhanh như Flower, Gift, Cosmetics... nhưng chưa thực sự quá mạnh mẽ trong thời gian trước.

QCom trong ecommerce

Mình tham gia Lazada từ đầu 2013 và chứng kiến ngành ecommerce phát triển, thay đổi mạnh mẽ trong suốt gần 10 năm vừa qua.

Giai đoạn trước 2014, Lazada chủ yếu nhập hàng về kho và bán hàng sẵn có. Mô hình retail với những hạn chế về lưu kho, chủng loại hàng hóa và thời gian giao hàng. Để có nhiều sự lựa chọn cho khách hàng, doanh nghiệp cần tăng số lượng SKU trong kho, điều này tạo ra áp lực tài chính từ những sản phẩm long-tail cũng như quy mô kho tăng dần theo thời gian. Việc xử lý đơn hàng và giao hàng mất từ 2-3 ngày trong nội thành TPHCM và kéo dài 5-7 ngày cho các tỉnh khác. Sự phức tạp của vận hành còn nằm ở việc xử lý hàng hoàn, bảo hành và đổi trả cho khách hàng. Lúc đầu Lazada tổ chức các đợt thanh lý hàng lỗi cho nhân viên nội bộ nhưng khi lượng hàng đổi trả càng nhiều thì việc xử lý những đơn hàng này cũng phải thay đổi một cách chuyên nghiệp hơn. Retail chính là thời kỳ đầu tiên của ecommerce.

Cuối 2013, đầu 2014 Lazada đã bắt đầu xây dựng mô hình marketplace (sàn thương mại) để giải quyết những bất cập của mô hình Retail. Theo đó, các seller được khuyến khích tạo gian hàng và tự bán hàng thông qua nền tảng của sàn. Seller tự chủ động về nguồn hàng và vận hành, đóng gói sản phẩm. Điều đó giúp sàn tăng số lượng SKU theo cấp số nhân đồng thời gia tăng khả năng xử lý đơn hàng trong thời gian ngắn. Áp lực tài chính, vận hành cũng như thời gian giao hàng theo đó giảm. Khi mô hình marketplace ra đời thì Retail cũng không hoàn toàn biến mất. Các sàn với data và khả năng sourcing của mình hoàn toàn có thể chủ động nhập và bán các sản phẩm short-tail và margin cao để tăng tỷ suất lợi nhuận. Ngoài ra khi mở rộng tập seller, các sàn còn đa dạng nguồn thu không chỉ từ việc bán hàng mà còn từ việc bán gói marketing, dịch vụ fullfilment... cho seller. Marketplace chính là thời kỳ thứ 2 của ecommerce.

Song song quá trình phát triển marketplace, Lazada cũng bắt đầu nghiên cứu tối ưu vận hành để đem lại trải nghiệm mua sắm tốt hơn cho người dùng. Giữa 2014 mình bắt đầu lead dự án Same-Day Delivery tại TPHCM và làm model cho các nước khác trong khu vực. Đây cũng là quá trình sơ khai tiến lên QCom của Lazada tại Việt Nam. Toàn bộ quá trình xử lý đơn hàng từ CS --> Warehouse --> Delivery được thiết kế riêng giúp rút ngắn thời gian toàn trình lại trong vòng 4-6 tiếng. Sau này khi Adayroi thành lập, một cuộc đua về thời gian giao hàng diễn ra rất khốc liệt giữa các bên và đỉnh điểm là Tiki với dịch vụ TikiNow 2h. So với cuộc chuyển dịch từ Retail lên Marketplace, chuộc chuyển dịch từ Marketplace lên Qcom khó khăn hơn nhiều vì không chỉ dựa vào nội lực của sàn. Tất cả các sàn khi tiến lên Qcom đều bắt đầu với số ít các sản phẩm retail trong kho, sử dụng 1 SOP vận hành riêng cùng đội ngũ giao hàng in-house. Chính điều này khiến cho chi phí vận hành của đơn hàng QCom cao hơn khá nhiều so với đơn hàng thường.

Tương lai của QCom

 

Sự phát triển của các công ty on-demand logistics khiến cho chi phí giao hàng 1h không còn quá đắt đỏ. Thêm vào đó, người dùng đã sẵn sàng chi nhiều hơn cho các dịch vụ premium thay vì chỉ quan tâm đến giảm giá khiến tương lai của QCom đang trở nên sáng sủa. Sự chuyển dịch này rõ nét nhất ở các sàn thương mại điện tử toàn cầu khi họ đang đầu tư mạnh mẽ vào QCom (từ PrimeNow, WalmartExpress hay FlipkartQuick). Tuy nhiên cuộc chơi QCom sẽ không phải chỉ là cuộc chiến giữa các sàn. Chính các nhãn hàng hay chuỗi với lợi thế mạng lưới cửa hàng trải rộng khắp nơi mới là những tay chơi thực sự đáng gờm trong thời gian tới.

>>Vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận chắc chắn khi nào QCom sẽ đánh bại Marketplace để giành lấy ngai vàng. Tuy nhiên với một thị trường trị giá 26 tỷ đô, QCom chắc chắn sẽ là một trong những chiến lược cực kỳ quan trọng của bất kỳ tay chơi ecommerce nào trong thời gian sắp tới.

Tác giả bài viết: anh John Nguyen

Bạn có thể tìm hiểu thêm về thông tin của tác giả: http://linkedin.com/in/johnnguyen3636

← Bài trước Bài sau →