Hiểu sao cho đúng về THƯƠNG HIỆU dành cho các shop & SME nhỏ
- Người viết: Huyền Phương lúc
- Tin tức
Trước tiên phải nói rằng, chủ đề về THƯƠNG HIỆU rất rộng và khó. Mặc dù mình là người làm nghề marketing và truyền thông cũng được một số năm, nhưng đôi khi vẫn còn phải gãi đầu gãi tai khi nhắc đến 2 chữ THƯƠNG HIỆU.
Bài viết này xin phép viết trên quan điểm cá nhân, trải nghiệm thực tế + nghiên cứu tài liệu trên mạng > diễn đạt lại bằng cách ĐƠN GIẢN, DỄ HIỂU nhất cho các shop. Để các cá nhân, tổ chức KDOL hiểu đúng hơn về THƯƠNG HIỆU. Và ứng dụng thế nào vào việc kinh doanh của mình.
1. Thương hiệu là gì vậy?
Định nghĩa sách vở rất nhiều. Các bạn có thể search trên Google và Youtube để đọc thêm. Còn mình đơn giản tóm lược lại mấy ý này để các shop dễ hiểu nhất:
- Là những ý niệm, suy nghĩ của người mua khi nghĩ về nhãn hàng của bạn. Bạn không hoàn toàn cầm nắm được thương hiệu. Mà phải nỗ lực để được ghi nhận THƯƠNG HIỆU từ phía khách hàng.
- Thương hiệu xuất hiện khi bạn bắt đầu nỗ lực tạo ra sự KHÁC BIỆT HÓA. Khác biệt để được ghi nhớ và nổi bật hơn trong tâm trí khách hàng.
- Và quan trọng nhất, xét trong bối cảnh KDOL, Thương hiệu sinh ra là để BÁN ĐƯỢC NHIỀU HÀNG HƠN. Nói văn vẻ thì là tác động tích cực vào việc mua hàng của khách, trước - trong - sau quá trình mua. VD: Trước và trong khi mua, Thương hiệu sẽ tạo ra thiện cảm và uy tín, giúp khách hàng dễ dàng ra quyết định. Sau khi mua, thương hiệu giúp khách hàng yêu mến, ghi nhớ, để lần sau họ có thể quay trở lại mua hàng nhiều lần.
Bài viết liên quan: Giới hạn của SME
2. Oke được rồi, vậy “Làm thương hiệu” trong bối cảnh KDOL là làm những thứ gì
Trước tiên, mình nghĩ rằng các doanh nghiệp chưa nên vội bắt tay vào “làm thương hiệu” ngay. Hãy trả lời ý sau trước đã:
- Sản phẩm này trong dài hạn có đáng để làm thương hiệu không? Đáng ở đây lớn nhất là vấn đề kinh doanh, có đủ lợi nhuận, chi phí cho hoạt động thương hiệu không. Nếu không thì thôi, bỏ đi. Tập trung buôn bán sản phẩm. Đảm bảo chất lượng định, và hướng tới sự TỬ TẾ, hài lòng của khách hàng.
- Không sai đâu, mình luôn tâm niệm “TỬ TẾ là một cách làm thương hiệu đơn giản, bền vững mà lại rất hiệu quả”. Hãy nhìn cách các brand như Coolmate, Polomanor chỉn chu đến từng người sale chăm sóc khách hàng, họ có cả một đội ngũ lập ra để tư vấn, nâng niu khách hàng của họ, đo lường sự hài lòng của khách. Họ ổn định chất lượng, chỉn chu từng chi tiết. Chính vì sự tử tế mới khiến bạn khác biệt với số đông. Tử tế cũng giúp họ bán được nhiều hàng hơn nữa. Đó không phải là thương hiệu thì là gì?
- Tiếp theo bạn trả lời câu hỏi: Sản phẩm của bạn trong lâu dài, có phát triển ra được nhiều danh mục, có lợi thế cạnh tranh trong dài hạn không. VD: càng làm càng có knowhow mà các bên mới gia nhập khó copy, hay là bạn rất có năng khiếu trong lĩnh vực, sản phẩm mà bạn làm.
- Oke. Đó là những vấn đề đầu tiên. Để trả lời cho câu “có đáng để làm thương hiệu hay không?”. Tiếp theo, mình sẽ giải thích quy trình “làm thương hiệu” được đơn giản hóa qua những gạch đầu dòng thế này:
- Bạn lên kế hoạch, mong muốn tạo ra một hình ảnh, một ấn tượng, một ý niệm khác biệt để dễ nhớ. Đó là chiến lược thương hiệu, định vị thương hiệu. Để bật ra được những ý niệm đặc sắc này, và tuyên bố với công chúng, chúng ta lại cần dùng những mô hình cung cấp các thông tin input đầu vào, để có output là những điểm đặc sắc đó. Phổ biến nhất là mô hình “Brand Key” (các bạn tự search để làm nhé)
- Bạn truyền tải hình ảnh đó, để khách hàng hiểu đúng những gì bạn mong muốn. Đò là toàn bộ việc “làm thương hiệu”. Từ những việc TĨNH như bộ nhận diện thương hiệu (hệ thống logo, slogan, màu sắc, phong cách, hình ảnh, tông giọng…) cho đến những việc ĐỘNG. Như các chiến dịch truyền thông và marketing. Có tĩnh phải có động chứ ạ. Một bên là tạo dựng hình ảnh, một bên là phải chủ động diễn, tác động vào tâm trí khách. Nhằm được khách hàng ghi nhớ và thấu hiểu.
- Xét đến chữ thương hiệu từ đầu đến giờ, mình hay đề cập đến thương hiệu dành cho cả nhãn hàng, tổ chức. Trong nhiều tình huống thực chiến, chúng ta lại phải sử dụng các chiến dịch marketing ngắn, nhỏ, du kích hơn. Trong từng chiến dịch lại phải định vị riêng cho từng sản phẩm của mình. Thậm chí là thử nghiệm A/B nhiêu lần để xem thông điệp nào khách hàng thích.
- Hay một số tình huống, ngành hàng bạn đang kinh doanh rất khó để rạch ròi điểm khác biệt hóa. Ví dụ như bài toán của Thegioididong, FPT Shop, Hoanghamobile. 3 bên cùng bán điện thoại nhưng người dùng rất khó phân định xem hình ảnh 3 bên này khác nhau thế nào. Họ đại diện cho tính cách gì. Với người dùng phổ thông (ngoại trừ dân trong ngành marketing ra). Thì đúng là chỉ phân biệt bằng những dấu hiệu nhận diện TĨNH và mắt thấy tai nghe.
Bài viết liên quan: Chuyển đổi số cho SME - Hãy bắt đầu từ CRM
Mình chưa có giải pháp gì tốt hơn cho những ngành này. Ngoài trừ việc nỗ lực khác biệt bằng các hoạt động marketing, thi xem ai truyền tải mới lạ, ai khai thác được các kênh marketing mới hơn, đua xem ai REACH - tiếp cận nhiều hơn. Hoặc thiết kế ra những trải nghiệm mua hàng ngày càng chỉn chu, tử tế, bồi đắp thêm cho sản phẩm của mình. Vân vân và mây mây.
Trên đây là những chia sẻ của mình về góc nhìn Thương hiệu, nhằm giúp số đông dễ tiếp cận. Rõ ràng, không thể “làm thương hiệu” theo trào lưu được. Các shop có thể nhìn nhận thương hiệu theo một góc nhìn vừa DỄ vừa KHÓ.
Dễ trong việc bản chất của chúng, khá dễ hiểu. Nhiều khi các bạn đang vô thức làm trong xuyên suốt quá trình kinh doanh mà không để ý. Hoặc đôi khi hãy nghĩ nó thật đơn giản, nhiều shop bán hàng ầm ầm họ cũng đâu phải trầm trọng 2 chữ thương hiệu.
Nhưng cũng nên nghĩ Khó, để bắt đầu nghiên cứu một cách bài bản. Đối thủ của các bạn đều là những người “pro” về marketing, được trang bị kiến thức Marketing - Brand bài bản, có kinh nghiệm. Những lúc sóng gió như cuối năm nay thế này, không gì bằng trang bị thêm những kiến thức mới, trải nghiệm mới, sang năm, còn nhiều pro khác gia nhập cuộc chơi. Chúc các bạn chân cứng đá mềm.
Nguồn: Vũ Minh Hoàng