Cách quản lý Agency SEO dưới 20 người

GenZ đi tìm kiếm những môi trường để họ khám phá bản thân và chinh phục các mục tiêu cá nhân chứ không chỉ để nhận lương. Vì thế các kiểu quản lý áp đặt, 1 chiều sẽ khó có hiệu quả,

Quản lý hành chính theo giờ giấc, tác vụ dần phải chuyển qua kiểu quản lý theo hiệu năng và không giới hạn bởi địa lý. Làm sao ít họp hành, gặp gỡ, di chuyển mà vẫn có kết quả. Làm sao có thể làm việc 24/7, ở mọi nơi, bằng các công cụ sẵn có.

Mình rất đồng ý với quan điểm trên sau khi đội ngũ mình đã thay máu với hiện tại 80% là GenZ thì sự tự do và sự công nhận là 2 nền tảng tạo nên động lực làm việc nhiệt huyết và đổi mới liên tục cho Forza vượt qua giai đoạn khó khăn và vươn lên một cách rõ nét trong năm qua.

Trước đây mình luôn bị vây quanh bởi những vấn đề của đội ngũ như:

- Nhân sự thụ động trong công việc.

- Giá trị nhận được không đủ cạnh tranh với bên ngoài.

- Không chịu học hỏi để phát triển.

Những vấn đề này đã là gánh nặng cho cả đội ngũ và bản thân mình trong 2 đến 3 năm qua mà không tìm ra lời giải phù hợp. Như thể chúng ta đang cố gắng băng qua một sa mạc khô cằn mà không thấy dấu hiệu của ốc đảo. Nếu không có bất kỳ sự thay đổi hay đột phá nào, chúng ta có thể bị nhấn chìm dưới làn cát của sa mạc đó.

Và năm 2023 cũng chính là lúc mà sự thay đổi, đột phá đó xuất hiện…

Sau khi đội ngũ mình thay máu gần 80% đồng thời tái cấu trúc lại sản phẩm cốt lõi là SEO hiệu quả thì đó cũng là lúc… mình quan tâm đến câu chuyện nhân sự, văn hoá và động lực.

Trước đây mình có đọc một vài quyển sách về văn hoá và con người như: Tỷ phú bán giày, Phong cách Virgin hay 1 đời quản trị…đều đề cập đến khía cạnh này nhưng để áp dụng thực tế thì vẫn chưa thấy được sự cải thiện rõ nét.

“Peak” – Cuốn sách của Chip Conley đã mang lại cho mình những hiểu biết sâu sắc về việc áp dụng tháp nhu cầu Maslow trong môi trường doanh nghiệp (Cụ thể như thế nào thì các bạn có thể tìm sách để đọc nhé)

Tuy nhiên sách có đề cập đến 3 khái niệm nền tảng với nhân sự bao gồm:

- Tiền

- Sự công nhận

- Ý nghĩa công việc.

+ Đối với Tiền:

Tiền là một nhu cầu cơ bản khi đi làm, động lực từ tiền khá mạnh nhưng lại ngắn hạn vì thế để liên tục duy trì động lực thì mình gắn liền các khoản thưởng đi kèm với mục tiêu bao gồm: Cả mục tiêu ngắn hạn (theo tháng/mục tiêu KPIs nhỏ) đến các mục tiêu dài hạn như nghiệm thu dự án, mục tiêu quý hay phát triển các sản phẩm, kiến thức mới.

Tất cả những nỗ lực dù lớn hay nhỏ đều cần được ghi nhận.

Đôi khi định nghĩa tiền không hẳn là tiền mặt, có thể là những buổi party nhỏ, những món quà, các khoá học chuyên môn… và điều mình thấy quan trọng nhất liên quan đến sự tự do của GenZ là:

Từ khi mình đề xuất tuần làm việc 4 ngày và online một ngày (Tuỳ vào dạng business của bạn) thì đội ngũ mình đã nhiều năng lượng hơn (Tự động làm việc thêm cuối tuần, cảm thấy cuối tuần vừa đủ không quá ngắn để dẫn đến thứ 2 đi làm là cực hình).

Những yếu tố nhỏ này với những công ty quy mô nhỏ thì rất dễ thực hiện, chi phí không hề cao nhưng đôi khi sẽ là lợi thế không hề nhỏ khi nhân sự cân nhắc với các công ty khác.

+ Về Sự công nhận:

Khi đã đáp ứng được 1 phần ở nhu cầu cơ bản thì làm sao để các bạn cảm thấy được công nhận. Với Forza, thì nền tảng đầu tiên là ở kết quả dịch vụ tốt, từ đó các bạn có niềm tin vào công ty hơn. Vì vậy, khi các bạn sharing case study về các dự án đã làm được ở các group chuyên môn, thì được công nhận rất nhiều từ các bạn SEO kì cựu trong giới với nhiều tương tác tích cực.

Đây là 1 động lực không nhỏ để nhân sự mình cảm thấy đang đi đúng hướng.

Bên cạnh đó, sự công nhận là khi chúng ta không áp đặt, quản lý 1 chiều như đã nói mà đó là sự thảo luận, cân nhắc ý kiến từ phía các bạn và luôn biết dẫn dắt, tạo môi trường để các bạn “MUỐN” nói ra.

Khi họp với đội ngũ mình luôn là người lắng nghe với các câu hỏi cơ bản như:

1. Thành quả team em trong tuần trước là (Tech thì KPIs, content thì nâng tốc độ viết,…)

2. Công việc nào fail trong 2 tuần qua (fail về timeline hoặc kết quả), nguyên nhân và bước tiếp theo?

3. Đánh giá của em với từng nhân sự trong team tuần qua như thế nào?

4. Có điểm gì em thấy team và đội ngũ mình cần cải thiện?

5. 2 tuần tới em vs team dự kiến sẽ làm gì?

6. Điều gì công ty nên làm để đem lại giá trị tốt hơn cho khách hàng?

Khi người khác được lắng nghe, họ luôn sẵn sàng mở lòng vì được tôn trọng và khi đề xuất đến từ chính bản thân họ thì chính họ sẽ có nhiều động lực để làm hơn thay vì bị ép buộc làm. Vai trò của chúng ta lúc này là chắt lọc những điều phù hợp, góp ý những gì cần cải thiện trên kinh nghiệm của mình.

Tất cả những điều này cộng hưởng lại sẽ tạo nên Forza hiện tại:

+ Tự do trong công việc để thỏa sức sáng tạo.

+ Khát khao học hỏi, đổi mới để trở thành người dẫn đầu.

+ Tin tưởng vào những nỗ lực của bản thân và đội ngũ.

- Đối với Ý nghĩa công việc

Về phần ý nghĩa công việc thì một vài khía cạnh trong Forza đã thể hiện nhưng cho phép mình giữ lại cho 1 tương lai bùng nổ hơn nhé.

← Bài trước Bài sau →