4 TIÊU CHÍ QUAN TRỌNG ĐỂ LỰA CHỌN KOL/INFLUENCER PHÙ HỢP CHO THƯƠNG HIỆU

Các thương hiệu hiện nay trên thị trường đều lựa chọn một cá nhân nào đó để làm người đại diện hoặc người tác động lên khách hàng, nhằm tạo sự tin tưởng và thúc đẩy doanh số bán hàng cho doanh nghiệp. Và chúng ta thường gọi họ là KOL hay INFLUENCER. 

KOL được biết đến như là một người nổi tiếng và có sức ảnh hưởng dựa trên chuyên môn trong lĩnh vực mà họ hoạt động hoặc là một là chuyên gia như: diễn viên, ca sĩ, nghệ sĩ, bác sĩ chuyên môn,... 

INFLUENCER cũng là một cá nhân có sức ảnh hưởng đến cộng đồng nhưng thông qua các hoạt động trên nền tảng mạng xã hội. Họ có tầm ảnh hưởng nhất định trong ngành nghề họ theo đuổi và được cộng đồng fans ủng hộ mạnh mẽ như: vlogger, blogger, streamer,...

Một KOL đôi khi cũng là một INFLUENCER, nếu như sự nổi tiếng trong lĩnh vực của họ song song cùng với những hoạt động tích cực của họ trên các kênh mạng xã hội.

Tuy nhiên, làm sao để biết được KOL/ INFLUENCER nào là phù hợp với thương hiệu?

Và đây là 4 tiêu chí quan trọng mà các doanh nghiệp thường đánh giá khi quyết định lựa chọn một KOL/ INFLUENCER cho thương hiệu:

1. ĐỘ PHỦ (REACH):

Độ phủ (Reach) là một tiêu chí được đo lường dựa trên số lượng người theo dõi (followers/ fans/…) của của một cá nhân, nhóm hay tổ chức nào đó. Đây được xem là điều đầu tiên mà các thương hiệu quan tâm. Độ phủ càng lớn sẽ càng tạo ra được cơ hội, vì với độ bao phủ rộng của Kol hay Influencer thương hiệu sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận đến lượng khách hàng mục tiêu mà doanh nghiệp đang hướng đến.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều cá nhân hay tổ chức bằng một cách nào đó đã tăng số lượng theo dõi (followers) ảo, với mong muốn gây được sự chú ý của các thương hiệu. Vì vậy, khi đánh giá các tiêu chí này, các thương hiệu cũng cần theo dõi kỹ hơn về mức độ tăng follower và độ tương tác để đánh giá một cách chính xác hơn đối với profile của Kol hay Influencer được lựa chọn.

Ví dụ: Hồ Ngọc Hà, Sơn Tùng MTP, Tóc Tiên,... họ đều là những cá nhân có số lượng người theo dõi và fans tương đối lớn, do vậy họ thường được các thương hiệu mời để làm đại diện hoặc PR cho một sản phẩm nào đó.

2. SỰ LIÊN QUAN (RELEVANCE)

Sự liên quan (Relevance) là mức độ tương đồng của hình ảnh thương hiệu với định vị cá nhân của  KOL/ INFLUENCER. Giữa KOL/ INFLUENCER cần có điểm chung phù hợp, để tạo nên sự gắn kết mang đến niềm tin cho sản phẩm/ dịch vụ được quảng bá.

Mức độ phù hợp của thương hiệu với KOL/ INFLUENCER có thể được đánh giá qua: Thông tin cơ bản, nhân khẩu học, thương hiệu cá nhân, các chủ đề được cập nhật thường xuyên hay sự quan tâm của người theo dõi đối với KOL/ INFLUENCER…

Ví dụ: Hồ Ngọc Hà thời gian gần đây vô cùng được quan tâm bởi sinh ra 2 nhóc tì là Leon và Lisa. Hà Hồ trở thành bà mẹ bỉm sữa nổi tiếng, do vậy các nhãn hàng có sản phẩm liên quan đến trẻ em mới sinh như tã, bình sữa,.... lựa chọn Hồ Ngọc Hà để quảng bá cho sản phẩm của mình.

3. MỨC ĐỘ TÁC ĐỘNG ĐẾN NGƯỜI TIÊU DÙNG (RESONANCE)

Những KOL/ INFLUENCER tạo được những tương tác tích cực đến người theo dõi thông qua chủ đề mà họ cập nhật, dẫn đến các hành vi như chia sẻ… thì được xem là một KOL/ INFLUENCER có mức độ ảnh hưởng cao đến lượng người theo dõi.

Đây là tiêu chí vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp, KOL/ INFLUENCER có thể làm được điều đó tốt, sẽ dễ dàng hơn cho doanh nghiệp truyền tải thông điệp của sản phẩm. Thông qua đó hướng người theo dõi đến những sản phẩm/ dịch vụ của thương hiệu.

Ví dụ: Changmakeup là một Beauty Blogger nổi tiếng, có số lượng người theo dõi tương đối cao trên các nền tảng MXH. Cô nổi tiếng về những video review các dòng mỹ phẩm ấn tượng. Các nội dung mà cô chia sẻ rất gần gũi, không mang tính chất bán hàng, do vậy thường thu hút được số lượng tương tác lớn. Và đây là cơ sở để một số các thương hiệu mỹ phẩm lựa chọn cô để PR cho các dòng sản phẩm của mình.

4. CHỈ SỐ CẢM XÚC (SENTIMENT)

Chỉ số cảm xúc (Sentiment) là chỉ số thể hiện những cảm xúc tích cực hay tiêu cực của audience đối với sản phẩm/ dịch vụ do KOL/ INFLUENCER được chọn mang đến. Thông qua chỉ số này thương hiệu sẽ biết được audience có tình cảm với thương hiệu hay không. Từ đó đưa ra những chiến dịch phù hợp đối với từng KOL/ INFLUENCER cụ thể.

4 tiêu chí được đề cập ở trên chỉ là những tiêu chí cơ bản nhất để lựa chọn một KOL/ INFLUENCER. Ngoài ra, thương hiệu còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như mục tiêu, nền tảng truyền thông, ngân sách, KPI cho từng chiến dịch… thì mới lựa chọn được người phù hợp nhất với sản phẩm của mình.

Bài viết trên là những kiến thức mà mình được học hỏi, bản thân mình cảm thấy rất phù hợp với xu hướng hiện nay của nhiều thương hiệu. Do vậy, mình mong muốn chia sẻ những kiến thức  này đến tất cả các bạn. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ít nhiều cho công việc của các bạn trong thực tiễn. 

← Bài trước Bài sau →