7+ bài học xương máu khi kinh doanh online mà bạn cần phải biết

Đầu tuần, mình đi tổng hợp một số bài học xương máu khi làm thương mại điện tử, kinh doanh online… cho anh chị em mới làm đỡ tốn thời gian, bớt trả học phí. Tranh thủ chuẩn bị, đường mở là phất cờ.

1. Thương mại điện tử, kinh doanh online không chỉ là bán hàng trên Face Book, quảng cáo dẫn về website hay đưa hàng lên sàn thương mại điện tử: Shopee, Tiki, Lazada là xong. Thành công hay thất bại phần lớn nằm ở mô hình kinh doanh, nhất là chọn bán sản phẩm gì, cho ai, với giá nào? có gì hay đáng kể không?

2. Muốn làm bền vững thì xương sống của công ty nên nằm ở khâu vận hành, nhất là việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, có đủ hàng trong kho, cân đối dòng tiền hàng hoá - quảng cáo, đối xoát với nhà vận chuyển, nhân viên phối hợp - hoạt động nhịp nhàng từ khâu lên nội dung, quảng cáo, đưa ra khuyến mãi, đóng hàng, giao đi, chăm sóc sau bán.

3. Tất cả các bộ phận cần đồng bộ với nhau, gãy một chỗ là gãy hết như Domino. Không bán được thì tiêu, bán được mà không giao kịp cũng tiêu: vì vừa tốn chi phí nhân viên, vừa tốn chi phí quảng cáo, vừa mất lòng khách hàng… bán trên sàn thương mại điện tử thì lại còn bị ăn thẻ phạt.

4. Hơn thua nhau ở chỗ quản lý được cơ cấu giá thành. Có đủ thành phần trong đó. Cái nào cũng có thể tăng đột biến, làm lỗ bất ngờ. Đa phần mọi người đều nghĩ bán online thì chi phí rẻ, nhưng thực tình thì không phải vậy.

Rẽ là làm cái website Haravan, hay hệ thống quản lý bán hàng nó rẽ, tốn có vài trăm ngàn…. nhưng còn bán hàng thì mỗi đơn hàng bạn phải cộng vô: chi phí quảng cáo, chi phí đóng gói, chi phí vận chuyển…. nếu bán trên Sàn thì cộng thêm hoa hồng Sàn. Đó là chưa kể chi phí “khuyến mãi”. Hầu hết bạn sẽ thấy bán nhiều, nhưng lời đâu thì không thấy.

5. Không nên lệ thuộc vào một kênh nào cả. Có tiền rồi thì nên đầu tư mở rộng các kênh bán hàng từ từ. Nhưng mà mới vô chơi mà đánh đa kênh thì khả năng tèo là rất cao. Nếu bạn kinh doanh nhỏ, thì trước tiên nên tập trung vào kênh mình tốt nhất và khách hàng mình nằm trên đó đủ nhiều là ok. Còn bạn đã ở tầm trung và có nguồn lực, thì vừa làm vừa học từng kênh một thôi.

6. Trừ khi “khởi nghiệp vì đam mê, tiền bạc là phù du” , hay trong kế hoạch Marketing 4P của bạn, có 1 chữ P là “Parent”, thì bạn cứ làm hoành tráng khúc đầu đi.

Còn không thì lo chuyện bán được trước đã, rồi mới lo chuyện làm thương hiệu sắc nét. Cẩn trọng “test” trước sản phẩm, ý tưởng, ra mắt tinh gọn đỡ hao nguồn lực.

Còn lại thì làm tốt mấy cái nhỏ nhỏ, review sản phẩm, tiết kiệm phí ship… vẫn thể hiện được sự chỉn chu, chuyên nghiệp là cũng đủ nhiều việc và mệt rồi.

7. Mỗi một kênh hay một chuyên môn đều chứa đựng đủ thứ bẫy. Ai không có kinh nghiệm nhìn vào tưởng ngon ăn, bước vào chơi là mất tiền ngay lập tức.

  • Như kênh sàn thì bạn dễ bị cuốn vào “khuyến mãi” rồi sau này muốn bán cao hơn cũng ko được, nhưng có traffic tự nhiên ổn.
  • Kênh FB thì cũng hao tiền quảng cáo.
  • Kênh Website làm ra rồi thì không biết làm sao để có đơn…

Tốt nhất là tìm mấy người rành luật chơi của từng món giúp mình và tư vấn cho mình. Chia một miếng bánh to thì tốt hơn là ráng ăn cho hết một miếng nhỏ. Mà khả năng cao là nuốt không trôi. Dành nhiều thời gian cho việc quan trọng với sự tăng trưởng của cty như sản phẩm, nhân viên, vận hành… bớt tự mình mày mò nghiên cứu - xây dựng hệ thống công nghệ các kiểu chi cho tốn thời gian và tiền bạc, chuốc thêm đau đầu. Tìm đối tác đàng hoàng, tử tế và có kinh nghiệm là ok

8. Giai đoạn sắp tới, kinh doanh sẽ thêm mấy phần khó khăn, nên “Buôn Có bạn, Bán có Phường” là việc bạn nên để tâm. Từ việc có kiến thức, kinh nghiệm, thậm chí nguồn hàng - nguồn vốn… bạn đều có thể cho đi rồi nhận lại, sẽ giúp chúng ta vững tâm và kiên trì trong công việc kinh doanh.

Tác giả bài viết: anh Nguyễn Mạnh Tấn - 9 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Marketing và thương mại điện tử, 5 năm dẫn dắt đội ngũ Marketing của Haravan đưa các giải pháp công nghệ trong thương mại điện tử và bán lẻ đa kênh omnichannel trở thành các thương hiệu hàng đầu trên thị trường Việt Nam. Sau 7 năm phát triển, Haravan được hơn 50.000 người kinh doanh và các tập đoàn hàng đầu tin dùng như: Vinamilk, Bitis, Loreal, Aeon, Thiên Long... Anh còn là diễn giả uy tín tại các chương trình, sự kiện về Thương mại điện tử, Marketing hàng đầu trong nước.

 

 
Tags: Business
← Bài trước Bài sau →