Ý tưởng kinh doanh
- Người viết: Huyền Phương lúc
- Tin tức
Thỉnh thoảng, tôi có cà phê sáng với các bạn trẻ khởi nghiệp. Một lần, câu chuyện nói về các ý tưởng kinh doanh.
Ai cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề này: không có ý tưởng kinh doanh, đừng nghĩ tới chuyện khởi nghiệp!
Tôi hỏi:
- Ý tưởng kinh doanh này là của ai?
Câu trả của mấy bạn ấy, đại khái rất giống nhau, đều là:
- Dạ của em. Đó là ý tưởng được giải thưởng trong cuộc thi x, y, z...
Tôi hỏi tiếp:
- Vì sao em chọn ý tưởng này để khởi nghiệp?
- Đây là đứa con tinh thần của em, em phải nuôi dưỡng và phát triển nó...
Nghe thật lãng mạn, nhưng đáng tiếc, lãng mạn không đúng chỗ.
Tỷ lệ khởi nghiệp thành công trên thế giới rất thấp, chỉ khoảng 5-7%. Vì thế, để giảm thiểu thiệt hại, điều quan trọng bậc nhất là phải sớm phát hiện và khai tử ngay những ý tưởng kinh doanh không có triển vọng.
Nhưng nếu bạn coi ý tưởng kinh doanh là đứa con tin thần của mình, bạn sẽ không nỡ khai tử nó, bạn sẽ tìm mọi cách kéo dài sự sống của nó, cho dù nó ốm yếu èo uột. Kết quả là tiền mất tật mang.
Mỗi ngày, trên thế giới có hàng ngàn ý tưởng kinh doanh mới (bạn có thể dùng ứng dụng TED để truy cập những ý tưởng này). Ý tưởng không thiếu, chỉ thiếu người triển khai.
Tại sao bạn không chọn ý tưởng phù hợp nhất của thế giới để khởi nghiệp mà cứ nhất thiết phải khởi nghiệp bằng ý tưởng của chính mình? Chẳng lẽ, các đạo diễn chỉ dựng những bộ phim bằng kịch bản do chính họ viết ra?
Tất nhiên, bạn vẫn có thể, vừa viết kịch bản vừa làm đạo diễn cho một bộ phim, theo kiểu tự biên tự diễn. Nhưng công thức thành công phổ biến hơn là, các biên kịch chỉ tập trung viết kịch bản, còn các đạo diễn thì chọn, trong số kịch bản có sẵn, tác phẩm thích hợp nhất để dựng thành phim.
Tôi muốn nói với các bạn trẻ rằng, kinh doanh không phải là nơi thích hợp cho các cảm xúc lãng mạn. Bạn có ý tưởng kinh doanh của riêng mình, đó là điều tốt; nhưng đừng nhân cách hoá nó thành con thành cái, vì kinh doanh không có lợi thì phải bỏ, còn con cái, dù có ăn hại, cũng vẫn phải nuôi.
Bạn không có ý tưởng kinh doanh của riêng mình thì cũng chẳng sao, lấy ý tưởng của thiên hạ cũng tốt. Nhiều đạo diễn phim tài ba, cũng không cần phải tự mình viết kịch bản. Chỉ cần khi thành công, bạn chia sẻ quyền lợi với tác giả ý tưởng, một cách đàng hoàng là được.
Hơn nữa, biết nhìn ra cái hay trong những ý tưởng của người khác mới là phẩm chất đáng quý của một doanh nhân
Nguồn: Hoàng Minh Châu