Vì sao doanh nghiệp phải đổi mới?
- Người viết: Huyền Phương lúc
- Tin tức
Tôi có anh bạn là chủ của mấy nhà máy, chuyên gia công các chi tiết điện cho hãng xe Toyota. Câu chuyện về công việc của anh cho một câu trả lời đơn giản dễ hiểu đối với câu hỏi “Vì sao phải đổi mới”.
KHÔNG ĐỔI MỚI THÌ CHẾT!
Mỗi khi hãng Toyota cho ra một dòng xe mới, họ ký với anh một hợp đồng gia công ba năm, với giá trị hợp đồng tự động giảm 5% sau mỗi năm. Nguyên nhân là với một dòng xe cụ thể, giá bán không thể tăng, nhưng chi phí bán hàng lại tăng theo thời gian. Vì thế các nhà sản xuất phụ phải cùng chia sẻ phần bội chi này với hãng.
Là một mắt xích trong chuỗi giá trị chung, các nhà sản xuất phụ như anh phải liên tục cải tiến hợp lý hóa quy trình, tối ưu hóa chi phí,... để thích ứng với giá trị hợp đồng gia công giảm 5% mỗi năm. Nếu vẫn làm như năm đầu, năm thứ hai sẽ hết lời, còn năm thứ ba sẽ lỗ. Vì thế các nhà sản xuất phụ phải liên tục đổi mới, năm sau phải tốt hơn năm trước.
Sau 3 năm, nếu hãng Toyota, không cho ra được một dòng xe mới thay thế, thì các nhà sản xuất phụ cũng hết đất để tối ưu hóa chi phí và họ không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng gia công với giá mới, bị điều chỉnh giảm 5% nữa. Vì vậy, đối với chính hãng Toyota, họ bắt buộc phải cho ra dòng xe mới nếu không muốn bản thân họ và toàn bộ các nhà sản xuất phụ phải phá sản.
Nhưng dòng xe mới không chỉ đơn giản là tên mới, mẫu mã mới. Nó đòi hỏi rất nhiều đổi mới so với dòng xe cũ. Sự khác biệt phải rõ ràng tới mức khách hàng có thể cảm nhận được như: an toàn hơn, tiện nghi hơn, tiết kiệm xăng hơn...
Mỗi khi có dòng xe mới, hãng có quyền đặt giá mới và các điều kiện của trò chơi được đặt lại từ đầu. Chu kỳ mới, ba năm được lập lại. Tất cả lại vui vẻ. Các nhà sản xuất phụ sẽ được ký lại hợp đồng ba năm mới. Và rồi, họ lại phải liên tục cải tiến để thích ứng với giá trị hợp đồng sẽ giảm 5% vào những năm tiếp theo.
Đúng là, không đổi mới thì chết.
Ngày nay, vị thế của một công ty trên thị trường không phải là cái bền vững. Nếu công ty có một lợi thế nào đó, trong trường hợp tốt nhất, nó cũng chỉ mang tính tạm thời. Nếu bạn ỷ vào lợi thế của công ty ngày hôm nay thì điều đó đã đảm bảo 50% khả năng thất bại trong tương lai. Ổn định là thụt lùi, vì thế giới đang thay đổi. Để thích nghi thì bạn cũng phải thay đổi.
Rất tiếc, áp lực phải thay đổi từ thế giới bên ngoài, mới chỉ tác động tới những công ty Việt Nam, có quan hệ làm ăn quốc tế trực tiếp. Với các công ty trong nước, tình hình chung vẫn là: ai cũng nói tới đổi mới, nhưng có rất ít công ty đang thực sự thay đổi.
Hy vọng bài viết này có tác dụng cảnh tỉnh, giúp các công ty trong nước quyết tâm thay đổi hơn, vì khi Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, không thay đổi là chết.
Nguồn: Hoàng Minh Châu