[Truyền thông 101] Bài 1: “Sự thật” trên truyền thông

Các phê phán đối với một tờ báo, một trang tin, một cơ quan truyền thông ngày nay chủ yếu là về khoảng cách giữa thông điệp truyền thông và thực tiễn. Nếu một đối tượng trong thực tế và cách truyền thông nói về đối tượng này giống nhau thì tức là thông điệp truyền thông đó chứa nhiều sự thật, và ngược lại. Như vậy, nội dung của phê phán chủ yếu vẫn là truyền thông đang nói thật hay nói dối, khách quan hay thiên lệch. Từ đó dẫn đến kết luận rằng người làm truyền thông giỏi giang hay kém cỏi.

Nhu cầu giải đáp các câu hỏi trên dĩ nhiên là hợp lý với tư cách là những khách hàng khó tính. Nhưng để phê bình truyền thông một cách nghiêm túc hơn, chúng ta cần hiểu phê bình đơn vị sản xuất, phê bình thông điệp truyền thông, phê bình kênh truyền, phê bình quan điểm của khán giả… cần các công cụ lý thuyết khác nhau, dù không biệt lập đối với nhau. Bài viết này tìm hiểu mấy ý cơ bản về thông điệp truyền thông.

Thông điệp truyền thông (media message) phức tạp hơn rất nhiều so với các tín hiệu chúng ta sử dụng để giao tiếp hàng ngày. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, cần phân biệt giữa “communication” và “media” dù ở Việt Nam, chúng được dịch chung là “truyền thông.”

Communication là sự tương tác thông qua những tín hiệu mà người trao và người nhận có thể hiểu chung với nhau. Giao tiếp hàng ngày là ví dụ về communication, với giả định rằng người tạo ra tín hiệu và người tiếp nhận tín hiệu cùng có sự hiểu chung về tín hiệu họ đang sử dụng.

Media nhấn mạnh vào yếu tố kênh truyền. Điều này đến từ nhu cầu, vừa đến từ sự ra đời của các công cụ kỹ thuật có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất ra vô số các tín hiệu giống hệt nhau, có thể đi đến vùng tiếp nhận của nhiều người, hay thậm chí là đại chúng (mass). Thông điệp truyền thông khác với tín hiệu ở chỗ nó được sản xuất hàng loạt và nằm trong tầm hiểu biết chung của đại chúng.

Nỗ lực hiểu về thông điệp truyền thông thật đơn giản, nếu tất cả chúng ta đều cùng tin rằng chỉ có một thế giới khách quan và với tư cách là những chủ thể có khả năng sử dụng ngôn ngữ để tái hiện toàn bộ thế giới khách quan đó, chúng ta không thể hiểu nhầm ý nhau. Giả thuyết trên không xảy ra, vì thế nghiên cứu truyền thông (communication and media studies) trở thành lĩnh vực học thuật quan trọng trong tất cả các ngành khoa học và nhân văn. Những nhánh nghiên cứu truyền thông phổ biến sẽ được nêu ở cuối bài, còn ở đây tôi sẽ giải thích lý do vì sao lại có nhiều ngành coi truyền thông là đối tượng như thế.

Vì thông điệp truyền thông không thể nắm bắt được thực tiễn khách quan. Đi xa hơn một chút, bản thân thông điệp truyền thông đã tạo ra và chi phối mọi nét nghĩa về cái gọi là “khách quan”. Đi xa hơn nữa, có vô vàn phiên bản khác nhau của “sự thật khách quan” được sản xuất ra khi thông điệp được truyền đi, tiếp nhận, và phản hồi.

Bài viết liên quan: Recap '' Xây dựng và quản lý Digital Marketing kiểu tập đoàn'' - Mr. Trần Duy Ninh

Ở cấp độ đơn giản nhất (cấp độ mô phỏng), thông điệp truyền thông được cho là sự sao chép/mô phỏng lại thế giới khách quan. Có hai giả định ở đây: (1) Chỉ có một thế giới khách quan; (2) Chất lượng của thông điệp truyền thông phụ thuộc vào việc nó có thể sao chép thế giới khách quan chính xác đến đâu. Điều đó tức là, những gì truyền thông mô tả có thể được coi như sự triệt thoái về mặt ý nghĩa so với sự thật khách quan. Nhận định này sinh ra một lối phê phán thông truyền thông khá phổ biến, đó là cho rằng truyền thông quy giản hoá sự phức tạp của thế giới/đời sống/sự thật khách quan thành các mẫu rập khuôn. Thật vậy, ngay trong quá trình tiếp nhận và tham dự vào thế giới, chúng ta đã cố gắng xác nhận những gì mình hiểu và cảm với những kinh nghiệm/thiên kiến trước đó. Truyền thông có ảnh hưởng rất lớn trong việc định vị những thiên kiến này, và khớp nối chúng với trải nghiệm của khán giả.

Ở cấp độ phức tạp hơn (cấp độ tái trình hiện), nếu như cho rằng những gì con người có thể tiếp nhận từ thực tiễn đã rơi vào các khuôn mẫu, hay nói cách khác, nếu bản thân sự tiếp nhận của con người đã là sự mô phỏng/trình hiện, thì thông điệp truyền thông trình hiện lại sự trình hiện đó. Tưởng tượng, ở cấp độ mô phỏng, một sự vật/hiện tượng được mô tả trong một bối cảnh nhất định, thì ở cấp độ tái trình hiện, toàn bộ sự vật/hiện tượng và bối cảnh nó thuộc về được tái cấu trúc trong một bối cảnh khác. Nói theo cách dễ hình dung, truyền thông không chỉ thuần tuý mô tả thế giới, mà nó đập thế giới ra thành từng mảnh nhỏ và sắp xếp lại chúng theo một trật tự nhất định. Nhưng ở cấp độ phân tích này, chúng ta có nguy cơ đặt quá nhiều quyền lực quyết định ý nghĩa của thông điệp truyền thông vào tay của người sản xuất ra thông điệp, mà quên mất vai trò diễn giải của công chúng truyền thông.

 

Ở cấp độ phức tạp hơn nữa (cấp độ phê phán), chúng ta không chỉ quan sát và phân tích quá trình thông điệp được sản xuất ra và truyền tải thông qua kênh truyền, mà còn quan sát cách thông điệp truyền thông được tiếp nhận bởi công chúng. Sẽ rất dễ để buộc tội rằng truyền thông nói láo, tuyên truyền, định kiến, thao túng khán giả một cách một chiều. Sự buộc tội ấy sẽ phù hợp hơn ở thời điểm 100 năm trước. Còn ngày nay, ta thấy thông điệp truyền thông liên tục được tạo ra và biến nghĩa bởi ba quá trình xảy ra đồng thời: mã hoá (encoding), giải mã (decoding), tái mã (recoding). Thông điệp ban đầu được mã hoá bởi nền tảng kỹ thuật và quan hệ sản xuất mà đơn vị sản xuất thuộc về. Khi được độc giả tiếp nhận, thông điệp được tái cấu trúc và tạo ra những ý nghĩa mới, với một nền tảng kỹ thuật khác và quan hệ sản xuất khác. Và cứ thế lặp đi lặp lại, ý nghĩa của thông điệp liên tục biến dịch cho đến khi nó không còn có thể được nhận ra so với ban đầu (nếu thực sự có cái ban đầu).

Bài viết liên quan: Recap Event Commerce on Tiktok 2023

Như vậy câu hỏi khi phân tích thông điệp truyền thông ở đây sẽ không nên là “Ai đang lừa ai?”, mà nó nên là “Thông điệp đó, lối hiểu đó được coi là hiển nhiên và có thể chấp nhận được như thế nào?” Các quá trình biến đổi ý nghĩa của thông điệp truyền thông kia trông thì có vẻ phức tạp, nhưng thực tế đã được tinh giản rất nhiều yếu tố khác như quy trình sản xuất thông tin, kênh truyền, hệ sinh thái truyền thông, thị hiếu của khán giả đại chúng…

Sự phức tạp này sở dĩ đến từ một câu hỏi rất cơ bản - chúng ta có thể hiểu chung các nét nghĩa của thông điệp truyền thông hay không? Ngôn ngữ có khả năng nắm bắt và kiến tạo ra thế giới như thế nào? Và xa hơn, khi công nhận rằng sự tương tác của ta với thế giới chỉ qua ngôn ngữ một phần rất nhỏ, còn chủ yếu là qua những thực hành, thì câu hỏi sẽ là, liệu có một và chỉ một thế giới hay không? Đây tuyệt đối không phải chủ nghĩa hoài nghi, và tôi sẽ làm rõ luận điểm này trong bài viết sau về sinh thái học truyền thông (media ecology). Còn ở đây, tôi muốn nói thêm về các xu hướng nghiên cứu truyền thông cơ bản, xuất phát từ các tiếp cận khác nhau đối với câu hỏi trên:

(1) Ngôn ngữ học cấu trúc (structural linguistics) - nghiên cứu về mối quan hệ giữa quá trình biểu đạt (signification) và truyền thông, bao gồm nhận thức luận trong truyền thông.

(2) Ngôn ngữ học so sánh (comparative linguistics) - nghiên cứu về cách ngôn ngữ truyền thông quy định cách ta tiếp nhận thế giới.

(3) Nhân học cấu trúc (structural anthropology) - nghiên cứu về mối quan hệ giữa truyền thông và sự lưu thông các biểu tượng, bao gồm nghiên cứu diễn ngôn.

(4) Chức năng luận (functionalism) trong khoa học xã hội - nghiên cứu về mục đích sử dụng và hiệu quả của truyền thông tới công chúng.

(5) Tâm lý học nhận thức (cognitive psychology) - nghiên cứu về ảnh hưởng của truyền thông sự tiếp nhận của khán giả, bao gồm nghiên cứu các thực hành xoay quanh kênh truyền.

(6) Kinh doanh (business) - nghiên cứu về các ứng dụng của truyền thông tới thị trường hàng hoá.

(7) Tuyên truyền (propaganda) - nghiên cứu về các mục tiêu vũ trang của truyền thông.

(8 ) Duy vật văn hoá (cultural materialism) - nghiên cứu về cách truyền thông tổ chức đời sống thường nhật, bao gồm sự kiến tạo chủ thể tính (subjectivity), tính tự chủ (autonomy), và bản thể luận trong truyền thông.

(9) Lao động truyền thông (media labour) - nghiên cứu về tổ chức lao động trong cơ quan truyền thông.

Và còn rất nhiều xu hướng nghiên cứu khác không được quy định trong giới hạn ngành cụ thể, mà có tính chất liên ngành rất rõ ràng, ví dụ tiêu biểu là nghiên cứu truyền thông và văn hoá (media and cultural studies).

Nguồn: Ngọc Lê

Nguồn ảnh: Hall, S. (1973). Encoding and decoding in the television discourse. Centre for Contemporary Cultural Studies

← Bài trước Bài sau →