Sàn thương mại điện tử có NGON như lời ĐỒN ?

Hơn 1 năm gần đây tôi nhận được rất nhiều câu hỏi của anh em, người thân quen về việc em có nên lao vào sàn Thương Mại Điện Tử lúc này hay không? Em muốn kiếm thêm thu nhập, em muốn khởi nghiệp kinh doanh online, anh có lớp nào dạy bán hàng Lazada không?

Mấy tháng nay covid làn sóng thứ 3, 4 quay lại khiến công việc/thu nhập bị ảnh hưởng nhiều hơn, thời gian rảnh cũng nhiều hơn mọi người lại càng quan tâm nhiều đến kinh doanh online vì NGHE ĐỒN là trong thời điểm này mấy ông ấy vẫn kiếm tiền tốt thấy họ đi dạy, chia sẻ các hội nhóm ầm ầm.

Nên tôi quyết định viết bài này, một cách thực tế trần trụi nhất có thể.

1. Cơ hội khi lên sàn Thương Mại Điện Tử:

  • Hiện tại sàn TMĐT vẫn đang là 1 kênh bán hàng rất tiềm năng bởi 2020 nó mới chỉ chiếm 5% tổng bán lẻ tại VN, các kênh cửa hàng tạp hoá, chợ truyền thống áp đảo với hơn 50% giá trị giao dịch.
  • Sự khác biệt lớn nhất của kênh này so với các kênh truyền thống là khả năng tiếp cận người dùng RẤT LỚN bởi không bị hạn chế vào địa lý, không gian, thời gian; 1 shop online trên sàn có thể hoạt động 247, tiếp đón hàng triệu lượt khách xem sản phẩm trong 1 ngày, điều này là bất khả thi với cửa hàng offline.
  • Với sự hỗ trợ của công nghệ, chuyển đổi số, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo ... sẽ giúp các chủ shop linh hoạt trong vận hành (làm việc online, đa kho hàng), tối ưu nguồn lực kinh doanh tập trung vào Marketing còn xử lý đơn hàng sàn có thể hỗ trợ (FBL, FBT).
  • Đa kênh bán giúp chủ shop mở rộng quy mô kinh doanh, hạn chế các rủi ro khi chỉ có kênh truyền thống.
  • Hành vi mua sắm của khách hàng sẽ thay đổi nhiều trong và sau thời gian giãn cách (chuyển dịch lên online nhiều hơn).

2. Sàn Thương Mại Điện Tử 1.0 thời mông muội quãng 2015-2018 đã qua rồi, đặc điểm chung:

  1. Lazada, Shopee đều đốt tiền không tiếc tay vào Marketing để hút traffic đến từ người tiêu dùng, hút người bán đưa sản phẩm lên sàn
  2. Sàn miễn phí vận chuyển toàn quốc thời gian đầu, 2018 Lazada bỏ trợ ship 1 cái là anh em top seller rớt đài, doanh thu tụt dốc không phanh; Shopee thừa thắng xông lên bơm tiền mạnh vào freeship suốt năm đó kết quả là bỏ xa Lazada.
  3. Sàn hỗ trợ tận răng: trợ giá thêm cho sản phẩm để có deal flash sale giá tốt, free các vị trí banner ngon cho shop lớn; KAM hỗ trợ lên deal, tư vấn cách làm;

Nên chuyện anh em nhập hàng Trung Quốc về bán 1 vốn 4 lời là có thật, rất nhiều anh em bán sàn đời đầu giàu lên nhanh chóng, các mẹ bỉm sữa cũng có thể tranh thủ đăng sản phẩm lên kiếm tháng vài củ không khó.

NHƯNG ai rồi cũng khác !

gần như tất cả những bài học thành công thời đó đã và sẽ không HIỆU QUẢ ở hiện tại.

3. Sàn Thương Mại Điện Tử 2.0

Thời thế đã thay đổi, giai đoạn 2019 các sàn bắt đầu chuyển mình vì họ cũng không gồng lỗ hơn ngàn tỷ/năm mãi được và thực sự từ 2020 tới nay có thể thấy rõ sàn Thương Mại Điện Tử 2.0 đã thành hình, cụ thể:

  1. Sàn vẫn đốt tiền vào Marketing, Logistic, Thanh toán online để thu hút tập khách hàng mới như thị trường nông thôn đồng thời nâng cao năng lực giao vận (giao hàng hoả tốc); hỗ trợ ship 1 phần cho khách hàng như Lazada với gói Freeship Max, Tiki với Freeship+
  2. Chi phí bán hàng rất cao: riêng phí sàn đã khoảng ~10%, thêm các chi phí cho công cụ marketing, các loại gói dịch vụ để hỗ trợ bán hàng khác có thể tới 20-30%, không còn vụ trợ giá sản phẩm để có deal giá tốt nữa nha
  3. Cạnh tranh giữa người bán hàng rất cao: chấp nhận lên sàn bạn phải cạnh tranh với cả từ đối thủ lớn sừng sỏ trong nước lẫn global (đặc biệt từ Trung Quốc) và nhà bán hàng mới ngu ngơ "điếc không sợ súng". Các gói marketing từ 5-10K$ cho mỗi kỳ mega sale của sàn thường cháy hàng trước vài tháng bởi các shop tay to, nhãn lớn.

4. Thách thức phải vượt qua ?

  • Xác định rõ lên sàn Thương Mại Điện Tử là một cuộc chơi dài hạn phải tính bằng năm mới có thể thu lời, hái quả được. Bởi việc xây dựng shop/nhãn hiệu trên sàn như nuôi "con mọn", ông nào có con nhỏ sẽ hiểu từ này. Bạn phải cày cuốc tích luỹ để có được các chỉ số tốt như lượt theo dõi, lượt bán sản phẩm, lượt đánh giá, tỷ lệ đánh giá tích cực, việc chăm sóc khách hàng 247 ... những chỉ số này có giá trị kế thừa theo thời gian kiểu hiệu ứng hòn tuyết lăn ấy => KH sẽ đánh giá được mức độ uy tín, chuyên nghiệp của shop bạn và quay lại mua hàng, giới thiệu KH cho bạn, dần dần giúp giảm chi phí Marketing.
  • Vốn lớn: những câu chuyện cổ tích kiểu khởi nghiệp với 10 - 20 - 50tr và thành công trên sàn vẫn có nhưng thực sự là rất hiếm hoi ở giai đoạn này. Để có 100tr doanh thu bạn có thể phải có lượng tồn kho trung bình hàng tháng khoảng 300tr vì còn rất nhiều tiền sẽ nằm ở hàng tồn, hàng hoàn, tiền hàng sàn giữ từ 1-2 tuần mới về tới, trước các kỳ mega sale cần phải tăng tồn trước đó cả tháng ...

Trong khi thời gian tối thiểu từ 6 tháng - 1 năm đầu của quá trình xây dựng shop cần đầu tư nhiều hơn, lợi nhuận mỏng (thậm chí bán lỗ làm quen), thì lại cần phải huy động thêm vốn lưu động.

  • Lợi nhuận không cao như thuở nào: chỉ khoảng 10-15%, ông nào tới 20% thì đã là xuất sắc rồi (chắc chỉ có vài % số shop thôi). Tất nhiên sẽ vẫn có thể tăng dần biên lợi nhuận này lên bằng việc tăng quy mô, tối ưu vận hành theo thời gian.

5. Bạn có lợi thế gì khi lên sàn ?

Đọc xong mấy mục trên anh em lại tưởng mình doạ cho sợ để mấy ông cũ tự sướng với nhau. OK, vậy bạn hãy tự trả lời các câu hỏi sau nhé:

  1. Về sản phẩm: bạn định bán gì, đã phân tích nghiên cứu thị trường ra sao, bạn có lợi thế cạnh tranh gì với sản phẩm đó không ? kiểu bố vợ có nhà máy sản xuất, hay mẹ người yêu là tổng kho lớn nhất Vịnh bắc bộ, hay bạn có hợp đồng phân phối độc quyền 3 năm, bạn sở hữu bằng sáng chế sản phẩm ...
  2. Về nguồn truy cập: bạn có sở hữu hoặc có mối quan hệ thâm sâu với các kênh traffic lớn không ? Kiểu bạn có Facebook tích xanh, bạn là admin vài nhóm Facebook cộng đồng hàng trăm nghìn thành viên hoạt động tích cực hàng ngày hay bạn là người yêu của cô giáo Minh Thu, là em trai thầy Lộc Fuho, là cháu cô Hằng Đại Nam ...
  3. Bạn có kinh nghiệm, kiến thức, các mối quan hệ trong lĩnh vực, ngành hàng mà bạn sẽ bán ?
  4. Vốn như nào ? Vốn ở đây là bao gồm thời gian, tiền mặt, kỹ năng (về làm nội dung phải biết xử lý ảnh, video cơ bản), về xử lý đơn hàng, về quản lý tài chính...

Đoạn cuối này là để bạn biết người biết ta, để lượng sức mình nếu thấy mình còn thiếu rất nhiều mảnh ghép trong bức tranh trên thì hãy cân nhắc kỹ lại quyết định LAO LÊN SÀN nhé.

Còn nếu vẫn thấy muốn tìm hiểu kỹ hơn thế thực sự để bán sàn TMĐT cần học, cần hiểu, phải làm những gì thì có thể tham gia 1 khoá học Shopee/Lazada của 1 seller uy tín, học xong khéo lại inbox cảm ơn thầy vì sau khi học xong thì em quyết định là chưa lao vào, đỡ mất mấy trăm củ vì NGHE ĐỒN.

#Lazada #Shopee #TMĐT

Bài cùng tác giả:

Làm thế nào dạy LAZADA AI yêu sản phẩm của mình?

Tác giả: Phạm Văn Chính

Giới thiệu tác giả: Đại sứ nhà bán hàng Lazada

 

ThemeSyntaxError ThemeSyntaxError