Những sai lầm phổ biến trong Email Marketing

(Bài viết này được viết sau khi tớ đọc một bài viết chia sẻ trong nhóm của một bạn về email marketing - đặc biệt là khi bạn ấy đề cập đến chuyện đi quét data, mua danh sách và một số chỉ số liên quan. Tuy nó chả liên quan lắm, nhưng cũng muốn chia sẻ một góc nhìn thôi)

Làm thế nào để tăng tỷ lệ mở email trong email marketing

Tôi làm email outreach từ những năm 2009, 2010, 2011 (3 năm ăn với đi quét data, dùng phần mềm gửi email với Amazon SES), sau đó bắt đầu học về email marketing từ năm 2013 (tiếp cận cách xây dựng danh sách email, squeeze page, solo ads, email sequence từ các vendor trên clickbank, jvzoo), rồi học, thực hành với sales funnel, email marketing automation từ năm 2015 cho đến nay.

Trong các năm 2018, 2019, 2020 tôi chỉ tập trung nói, viết, chia sẻ về Landing Page, Conversion Optimization (Tập trung cho sản phẩm LadiPage của chúng tôi). Bắt đầu từ tháng 03 năm 2021, tôi bắt đầu quay lại nghiên cứu, thực hành và chia sẻ về Marketing Automation (thời điểm chúng tôi phát hành LadiFlow).

Trong những năm qua, không phải nói phét, khi tư vấn hay chia sẻ với khách hàng tiềm năng và follower của mình, câu hỏi mà tôi thường thấy nhất là Làm thế nào để tăng tỷ lệ mở email trong email marketing. Câu hỏi kế tiếp là Làm thế nào để không bị rơi vào thư mục spam?

Vì vậy, tôi muốn dành bài viết này để tập trung cho các câu trả lời cho 2 câu hỏi trên, để những ai đã, đang và sẽ quan tâm đến kênh email marketing được rõ nghĩa hơn một chút.

Một số cách giải thích như sau:

Những lý do khiến người dùng không mở Email Marketing

  1. Người nhận email của chúng ta sử dụng Gmail là chính. Vì Gmail có bộ lọc spam, bộ lọc phân loại email theo các cấp độ thư mục khác nhau. Đa phần sẽ được đưa vào thư mục Quảng cáo của người nhận. Điều này có nghĩa là họ không nhận được thông báo khi email của bạn đến. Như vậy tỷ lệ mở sẽ giảm. Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi biết rằng, có trên 80% người dùng của tôi bỏ lỡ email của tôi, trừ khi họ thêm tôi vào danh bạ liên hệ Gmail của họ.

  2. Dòng tiêu đề email không thu hút người nhận mở nó. Nhiều người lạm dụng tiêu đề để bẫy người dùng mở email và đây cũng là tác nhân kích hoạt bộ lọc thư rác.

  3. Bạn gửi email không đúng thời điểm. Ví dụ: Gửi cho cấp lãnh đạo doanh nghiệp thì tốt nhất là gửi trước 7h30 sáng hoặc sau 21h tối các ngày trong tuần (trừ thứ 2). Hoặc các ngành nghề khác nhau cũng sẽ có những thời điểm khác nhau. Nói chung phải đo lường liên tục cho đến khi tìm thấy điểm ngọt ngào về tỷ lệ mở email của mình.

  4. Người nhận email không biết bạn là ai. (Họ nằm trong danh sách bạn quét được hoặc mua từ ai đó). Vì họ nằm trong danh sách kiểu này, nên họ nhận được rất nhiều email tiếp thị khác, từ những người khác cũng quét, cũng mua như bạn.

  5. Danh sách email đã quá lỗi thời và có nhiều địa chỉ email không còn tồn tại nữa. Dẫn đến email gửi đi bị rơi vào trạng thái "Bounce - Bị trả về". Tuỳ thuộc vào từng phần mềm, nền tảng cho phép bạn biết và kiểm soát được tỷ lệ Bounce Rate, email nào còn tồn tại hay không. (LadiFlow của chúng tôi Xác thực email trước khi gửi nên hạn chế được khá nhiều)

  6. Bạn gửi email trực tiếp thì phần mềm được cài đặt trên máy tính thay vì sử dụng các nhà cung cấp nền tảng email marketing đáng tin cậy như Mailchimp, LadiFlow, ConvertKit...Nếu bạn gửi một số lượng lớn email giống nhau từ một địa chỉ IP của chính mình, bạn có thể bị đưa vào blacklist. Khi đã bị blacklist rồi thì email nào bạn gửi đi cũng sẽ bị đưa vào spam. Dù đó là email công việc, email 1-1.
    Mẹo: Bạn có thể kiểm tra IP của mình có bị chặn hay không bằng cách tra cứu ở trang này: https://check.spamhaus.org/ (Bạn chỉ cần dán địa chỉ IP hoặc Domain vào để kiểm tra. Ví dụ email của bạn là toilaai@ailatoi.com - bạn chỉ cần dán ailatoi.com vào để kiểm tra xem).

  7. Nội dung email chứa một số từ khóa nhất định, những từ khoá kích hoạt bộ lọc email, do đó email bị xác định sai là thư rác. Thật đau xót khi Internet Marketing, Marketing Online, Online Marketing, Email Marketing...đều là những từ khoá kích hoạt bộ lọc email spam.

  8. Email chứa quá nhiều link hoặc hình ảnh. Đây cũng là những trình kích hoạt bộ lọc thư spam phổ biến.

  9. Email có chứa file đính kèm. Tệp đính kèm luôn bị nghi là phần mềm độc hại, nên thường bị chặn.

  10. Bạn xây dựng danh sách email của mình bằng cách cung cấp cho mọi người cái gì đó miễn phí để đổi lấy email của họ. Sự thật là mọi người hiếm khi sử dụng email chính để nhận quà lắm.

Email là một công cụ tiếp thị mạnh mẽ và đã được chứng minh ROI tỷ lệ lên đến 4.200%.

Đôi khi chỉ cần cải tiến vài điều có thể mang lại một kết quả tốt hơn.

Chúc các bạn thành công hơn nữa với Email Marketing.

Nguồn:  Anh Nguyễn Đắc Tình - Co-Founder tại LadiPage Vietnam

← Bài trước Bài sau →