04 CHỈ SỐ PHẢN ÁNH HIỆU QUẢ HIỂN THỊ CỦA GIAN HÀNG TRÊN SHOPEE - PHẦN 02

Tiếp nối Phần 01 nói về bounce rate và thời gian xem trung bình, ở Phần 02 mình muốn phân tích chỉ số CTR và số lượt xem trang trung bình phản ánh như thế nào về hiệu quả hiển thị của gian hàng, hiển thị sản phẩm trên Shopee.

>>Go!


3. Tỷ lệ nhấp CTR (click-through rate) kể câu chuyện quảng cáo đã hướng tới đúng tệp khách hàng chưa? Hình ảnh và giá cả sản phẩm đã đủ hấp dẫn chưa?

*Nhưng trong phạm vi bài viết này, mình chỉ đề cập đến yếu tố hình ảnh sản phẩm, đặc biệt là ảnh thumbnail


CTR = số lượt click/ số lượt hiển thị. Cụ thể là tỷ lệ người dùng nhấp vào quảng cáo sản phẩm trên tống số lần quảng cáo này hiển thị.

Theo một khảo sát của Alibaba, con số này tối thiểu phải là 1,5%, số càng cao, càng tốt.

Mình có được chỉ số CTR này qua việc chạy quảng cáo từ khóa và quảng cáo tìm kiếm liên quan trên Shopee.

Chủ yếu việc chạy quảng cáo Shopee trong giai đoạn hiện tại là mua keyword để hiển thị sản phẩm và mua vị trí hiển thị sản phẩm liên quan khi khách hàng search một sản phẩm khác của đối thủ.

Sẽ không có video, content như facebook ads, vì vậy yếu tố ảnh hưởng chính trong việc khách hàng có click vào sản phẩm đó hay không ngoài vấn đề tệp khách hàng và giá thì theo mình đó là ảnh thumbnail.

Theo dõi CTR mang đến cho mình động lực học hỏi từ đối thủ và tối ưu lại thumbnail sản phẩm sau đó quan sát sự biến động của CTR trước và sau khi có hành động thay đổi. Đặc biệt, khi giá sản phẩm không đổi, và không tác động vào giá thầu hay bộ từ khóa quảng cáo. (bỏ qua sự biến động của thị trường)

Mình đã từng phải test thử thumbnail mới và gỡ bỏ nó đi dù nghĩ nó đẹp nhưng CTR liên tục giảm sau khi thay.

Mình cũng sưu tầm lại luôn một số thành tố của thumbnail mà mình thấy các market leader trên sàn đang làm khá hay:

  • Nền thumnail có màu trắng, hoặc xám nhạt (sáng) tạo sự thoải mái khi nhìn (hai màu này là màu mà sàn đều khuyên dùng)
  • Ảnh sản phẩm chiếm 70% toàn khung hình.
  • Đưa thêm USP nếu có vào thumbnail, tuy nhiên không nên quá nhiều text hoặc lộn xộn. Có thể học cách mà lock & lock hoặc durex đang làm trên Shopee.

Bonus, có thể cân nhắc yếu tố review, lượt bán của sản phẩm, đây là một điểm signature quan trọng của của sàn. Một khách hàng sẽ dễ dàng nhấp vào sản phẩm đó nếu nó có nhiều lượt bán >1k và có ít nhất 4,9 sao.

Mình nghĩ quan trọng là làm thử và test để xem hiệu quả qua thời gian, nhiều khi mình nghĩ nó đẹp, nó hấp dẫn nhưng chỉ số rõ ràng như vả vào mặt thì vẫn phải tìm cách thay đổi.


4. Số lượt xem trung bình kể chuyện một khách hàng xem bao nhiêu sản phẩm trong gian hàng, xem càng nhiều càng hứng thú nhỉ?


Trung bình số lượt xem trên 1 khách truy cập.

Đối với một số gian hàng ngành hàng thời trang mình được xem qua, thì con số này dao động từ 4 - 8 lượt xem/ 1 lượt truy cập. Một insight khá hợp lý mình nhận ra là sản phẩm có khách hàng là nữ thì được số lượt xem trung bình nhiều hơn sản phẩm nhắm tới khách hàng nam. (nữ thích lướt nhiều hơn)

Theo mình chỉ số này phản ánh khá rõ nét về hiệu quả của việc trang trí gian hàng, bố trí sản phẩm hiển thị trong gian hàng để điều hướng khách hàng. Làm sao để khi vào gian hàng khách hàng sẽ xem thật nhiều sản phẩm của shop. (thêm nhiều sản phẩm đa dạng zooooo)

Việc bố trí gian hàng thông thường mình sẽ dựa vào các yếu tố:

  • Sản phẩm bán chạy, nhiều stock hoặc giảm sâu sẽ đưa ra mặt tiền. Anh nào càng ế, hàng tồn loe hoe thì cho vào trong.
  • Phân luồng theo giá hoặc phân luồng theo chủng loại sản phẩm hoặc kết hợp cả hai

 (việc này mình thấy cũng tương tự như cách các cửa hàng offline đang làm, mình khá ấn tượng cách phân luồng theo giá của Zara, có ai đi Zara và thấy giống mình không?).

Với mình khi bán sản phẩm nam, mình hay ưu tiên phân luồng theo chủng loại sản phẩm hơn, đơn giản cho nam muốn mua gì thì dễ vào tìm kiếm. Sau đó cũng sắp xếp theo giá, từ thấp tới cao trong dòng sản phẩm đó.

  • Ưu tiên dùng tone màu sáng trong layout gian hàng, những màu có khả năng kích thích mua sắm. Dạo gần đây, người chị đồng nghiệp của mình có bảo "tao thích giao diện Shopee hơn và Lazada, mày có thấy vậy không? Hình như vì Shopee kiểu sáng sủa hơn, dùng mấy màu đỏ, cam kích thích hơn thì phải". Thật sự cái này mình không có số cụ thể nhưng mình nghĩ nó đúng, điển hình là Shopee đang thu hút nhiều người dùng hơn Lazada.

Dạo này từ khi cảm nhận cái sense đó, khi lên layout gian hàng, mình hay ưu tiên dùng tone màu sáng hơn, dễ chịu hơn và cũng đang quan sát con số mỗi tuần.

  • Dựa vào lịch sử mua hàng của khách hàng. Khách hàng hay mua sản phẩm nào chung với nhau trong gian hàng thì bố trí sản phẩm đó gần nhau

Khi mình theo dõi đơn hàng trên Shopee, mình nhận ra khách hàng nam mua quần lót của mình hay mua theo cùng kiểu dáng quần. Ví dụ khách thường mua 1 đơn hàng gồm 2 quần boxer, hoặc 3 quần tam giác luôn, chứ rất rất hiếm khi khách hàng mua 1 đơn hàng có 2 sản phẩm gồm 1 tam giác + 1 boxer.

Vì vậy mình hay phân luồng các nhóm sản phẩm này chung với nhau, gợi ý những khách mua quần tam giác xem thêm quần tam giác. Cũng như việc mình cũng hay để vớ cạnh giày để gợi ý khách hàng mua thêm vớ khi mua giày.

Ngoài ra như trên, có thể kể đến sự hiển thị của review tốt xấu, giả sử một khách hàng vào xem sản phẩm và thấy review 1 sao chê tơi tả thì khó lòng muốn xem tiếp sản phẩm khác của shop. Việc xử lý các review xấu cũng thể hiện bộ mặt hiển thị của gian hàng.


Mình nhận ra việc cấu trúc tư duy theo số liệu vô cùng quan trọng, giúp mình bắt nhịp được sự thay đổi của mình có tác động tốt hay xấu thông qua con số, mà số thì không nói dối.

Mình còn phải học và xào đi xào lại bộ 04 chỉ số này hàng tuần, hàng tháng để đánh giá và rút ra những key learning quan trọng.

Bạn có thể đọc thêm các bài về shopee ở đây nhé

Tác giả bài viết: Chị Thư Phạm - Ecommerce planner của Jockey VietNam

← Bài trước Bài sau →