Tôi đã mất tiền tỷ, mất nhà, mất bạn

Tôi đã mất tiền tỷ, mất nhà, mất bạn để đổi lấy 3 bài học đắt giá sau cho những bạn khởi nghiệp.

Với một doanh nhân thứ thiệt thì chẳng là bao. Nhưng với tôi là rất nhiều. Tôi khởi nghiệp từ bàn tay trắng, làm bao nhiêu dồn vào đó bấy nhiêu. Không chỉ tiền, tôi còn mất nhiều thứ khác. Cái tôi được là những bài học quý giá mà hôm nay tôi muốn chia sẻ lại với các bạn. Những gì tôi sắp kể có thể chẳng là gì mới mẻ với dân học kinh tế, thậm chí còn nghe “ngu xuẩn” vì tôi phạm những sai lầm rất cơ bản. Nhưng tôi tin chắc đó là những trải nghiệm rất thật mà tôi nghĩ sẽ giúp ích cho ai đó, nhất là những người chân ướt chân ráo từ chuyên môn qua làm kinh tế như tôi.

Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ mở trung tâm. Năm 2014, Chàng trai 23 tuổi chỉ đơn giản muốn gom bạn bè lại để dạy họ nói, chỉ nói mà thôi, và SpeakOnly cũng chỉ là cái tên dịch đại từ đó. Sau 1 tuần, tôi mở được ca thứ hai, sau một tháng tôi có lớp thứ 3, và sau 1 năm, tôi phải chuyển cơ sở lớn hơn. Sau 8 tháng tiếp, tôi lại chuyển sang cơ sở lớn hơn nữa. Ở tuổi 25, tôi (và bạn gái tôi – vợ tôi bây giờ) có thể mua nhà, mua đất, du lịch nước ngoài. Tôi thành công là do hên, lúc đó nhu cầu thị trường lớn, chưa có nhiều cạnh tranh, và tôi cũng làm tốt nhiệm vụ của mình.

Năm 2017, tôi mở thêm chi nhánh, và từ đó là lúc SpeakOnly bắt đầu đi xuống. Ngoài những nguyên nhân khách quan như sự xuất hiện của các app học tiếng Anh tiện lợi, sự ra đời của vô vàn những trung tâm dạy nói, thì còn có nguyên nhân chủ quan từ tôi – một người thiếu kiến thức lẫn kinh nghiệm thương trường.

Từ một người thoải-mái-chi-tiêu, tôi bước sang giai đoạn dè-sẻn. Sau đó không lâu, tôi bắt đầu chấp nhận không-có-lời, rồi từ từ tiến lên giai đoạn lỗ-nhẹ, để sau đó ngả sang giai đoạn lỗ-nặng, rồi bước vào thời kỳ bán-nhà, bán-hết-những-gì-cần-bán trước khi chạm mốc trắng-tay. Chưa hết, theo sau đó vẫn còn giai đoạn nợ-nần-chồng-chất. Song song với đó là những câu chuyện bi hài cùng những bài học rút ra.

Bài học 1: Không thể kinh doanh và làm chuyên môn song song được.

Nhiều người nói mà tôi không tin. Dù biết họ có lý tôi vẫn muốn tự mình trải nghiệm coi không được là không được thế nào. Cuối cùng, tôi đã tâm phục khẩu phục rằng: làm kinh tế và làm chuyên môn phải là hai chuyện phải tách biệt.

Nói theo Các Mác. Kinh tế là lượng (cần phải có tiền); còn chuyên môn là chất (cần đạt hiệu quả). Chất và Lượng muôn đời mâu thuẫn. Hướng tới Lượng thì Chất không đảm bảo, hướng tới Chất thì Lượng phải khiêm nhường.

Tôi vừa dạy chính, vừa làm CEO. Một chân bên này, một chân bên kia, “đứng chàng hảng”, không thể đi tới. Tôi phải quyết chọn 1 trong 2. Tôi đã chọn gác lại việc dạy để tập trung quản lý. Nhưng sự việc cũng không mấy khả quan. Có vẻ tôi sinh ra để làm chuyên môn, thành công vì chuyên môn, và nếu không làm chuyên môn thì không thể thành đạt. Tôi không thể “kiếm lượng” với cái đầu hướng về “chất”. Thành thử cuối cùng, SpeakOnly không những không có thêm tài chính, mà còn thiếu đi một giáo viên cán cựu.

=> Bài học 1: làm chuyên môn thì không làm kinh doanh, và ngược lại. Hơn nữa, có khi bạn chỉ làm tốt chuyên môn hoặc kinh doanh, phải biết rõ thế mạnh để chọn! (*) Bạn phải tìm partner để hợp tác với mình.

 

Bài học 2: câu chuyện mở chuỗi.

Bạn thành công ở một cơ sở, không có nghĩa là bạn vẫn thành công ở cơ sở thứ hai.

Với cùng nguyên liệu, công thức, bạn có thể làm ly cà phê thứ hai y chang ly cà phê thức nhất. Nhưng giáo dục – sản phẩm gắn liền với con người, thì không. Với cùng một bài giảng, hôm nay bạn đã dạy khác hôm qua rồi, nói chi đến những con người khác nhau, đến từ vùng miền khác nhau, có văn hoá, lối sống, tâm tư, suy nghĩ khác nhau.

Có thể bạn đang nghĩ: ủa vậy VUS thì sao, ILA thì sao, đó chẳng phải là chuỗi giáo dục là gì? Đúng, đó là chuỗi giáo dục. Nhưng sẽ có 2 khác biệt lớn như sau:

1. Họ có quy-trình, tức là một bộ những giáo án, cách đi bài, cách xử lý vấn đề, nói câu gì, làm bước gì, v.v… được đóng gói lại. Những nơi khác chỉ cần được tập huấn và copy quy trình là sẽ được gần giống với cơ sở chính.

Mặc dù giáo viên làm trong các chuỗi giáo dục sẽ ít đất để phát huy sáng tạo, lương không cao do công sức bỏ ra không nhiều (vì chỉ cần theo quy trình) và nhân viên cũng ít cơ hội học hỏi (do ai làm mảng nấy theo quy trình), nhưng nếu đã xác định là người-kinh-doanh và mở chuỗi thì phải có quy trình và lạnh lùng xem nhân viên là máy móc.

2. Họ có nhiều cơ sở. Vẫn có những cơ sở không thành công chứ không phải không. Nhưng nhìn chung cơ sở đạt bù qua cho cơ sở bại. Chưa kể, họ có một “quản lý cơ sở” để điều chỉnh quy trình cho phù hợp với văn hoá sở tại nên giảm được rủi ro thất bại.

Tôi, quá vội, tiềm lực không có, quy trình không có, tài lực không có, nên gãy.

=> Bài học 2: hãy đóng gói các sản phẩm, chính sách, cách xử lý vấn đề của bạn lại thành một quy trình trước khi nghĩ đến chuyện nhân rộng.

Bài học 3: mượn tiền và sự quơ quào.

Tôi đã có những ngày tháng có thể gọi là cùng cực. Đó là khoảng năm 2018. Chúng tôi có con nhỏ, có một trung tâm chính phải lo. Có hai ba trung tâm nhánh phải quản rất nhọc (do thiếu quy trình như bạn đã biết). Một cơ sở chính không đủ để nuôi những cái khác. Tiền tài, nguồn vốn cạn dần, cạn dần. Tôi bán từ tài sản lớn đến tài sản nhỏ để nuôi doanh nghiệp. Đến khi không còn gì cả. Nhưng mỗi ngày mở mắt ra vẫn phải kiếm được chục triệu để lấp chi phí. Cứ mở mắt ra là chục triệu bay đi. Nhiều dự định không thành hiện thực, nhiều lời hứa trở nên quá sức, nhiều đề xuất hay ho bị “bỏ qua”. Vì không có tiền. Và tôi, tôi vô tình trở thành kẻ thất hứa, kẻ bóc lột, kẻ không biết lắng nghe, kẻ ác.

Tôi stress. Vợ tôi stress. Có những ngày tôi mở ví mà bật cười ra nước mắt vì không có nổi 50 nghìn đồng. Tôi cười cho sự trớ trêu: Ha ha, thầy giáo nổi tiếng không có nổi 50 ngàn đồng!

Lúc đó, rất nhiều lần tôi chỉ nghĩ: “Dẹp quách cho rồi, nghỉ khoẻ!” như thể bạn có một tảng đá rất nặng trên vai, điều duy nhất bạn nghĩ đến là bỏ-tảng-đá-xuống. Nhưng tôi không bỏ. Là vì tôi mạnh mẽ để gánh team, hay vì tôi không đủ mạnh mẽ để chấm dứt? Tôi chẳng biết, cái tôi biết là mình đang phải tiếp tục gồng gánh và kiếm tiền bù đắp.

Và tôi, như một người đang rơi xuống vực, chỉ biết đưa tay quơ quào trong không trung, nắm được gì thì nắm, đâu có tâm trí đâu mà coi đó là rễ cây, hay cục đá, hay miểng chai.

Xui cho tôi, tôi toàn quơ trúng miểng chai. Tôi quyết định dạy, dạy, dạy ngày đêm để kiếm tiền. Một tháng tôi kiếm được ba bốn chục triệu. Nhưng bạn biết đấy, nó chẳng là so với phí vận hành doanh nghiệp nặng nề. Ba bốn chục, kiếm rã rời trong một tháng, nhưng biến mất trong ba ngày. Đau. Nản. Suy sụp. Đuối.

Tôi quơ tiếp: Tôi mở thêm các lớp thiếu nhi. Mặc dù có tiến triển chút chút nhưng lớp chẳng thể duy trì lâu vì tôi không có quy trình trọn vẹn cho các lớp thiếu nhi. Học chung cơ sở vật chất với người lớn, các em như đến một lớp tạm bợ. Người lớn đang học thấy giáo cụ của trẻ em cũng không vui. Nên thôi, tôi không cho phép điều đó, thế là giải tán lớp KIDS.

 

Tôi lại quơ tiếp: Có người muốn hợp tác với tôi để một chi nhánh khác, dạy luyện thi lớp 10, tôi chỉ cần lo chuyên môn, tiền bạc để họ. Mặc dù ngập ngừng trước mảng mới, tôi vẫn nhận lời vì xem đó là cơ hội vàng với hy vọng lật ngược tình thế. Nhưng do tình thế cấp bách, tôi khinh suất không tìm hiểu kỹ. Nhà đầu tư rút lui giữa chừng. Tôi không những không xoay chuyển được tình thế, mà còn mất tiếp gần 200 triệu tạm ứng, mất hiệu quả kinh doanh do phải phân tán nhân lực, và mất uy tín trong lòng đội ngũ.

Tôi cứ như một kẻ đánh bạc đang thua nên cố gỡ. Mà càng gỡ càng thua.

Nhưng tôi quơ sao thì quơ, đó là chuyện của tôi. Tới tháng lương phải trả, mặt bằng vẫn phải thuê. Tôi lúc bấy giờ chèm bẹp như người sắp chết. Lúc đó tôi mới thấm câu “túng quá hoá liều” – người ta sẵn sàng làm điều xằng bậy khi túng thiếu.

Nhưng may quá, điều xằng bậy mà tôi làm không phải giết người hay cướp bóc, mà chỉ là chậm lương, cắt thưởng, tìm lý do này lý do kia để khiến nó hợp lý, rồi tôi làm trái với lương tâm – đặt lợi nhuận lên trên chất lượng, và cuối cùng là bỏ ngoài tai cảm xúc của đội ngũ.

Và còn một điều xằng bậy nữa, đó là… mượn tiền bạn bè. Tôi mượn tiền ngân hàng, nhưng không được. Thế là tôi mượn bạn bè đỡ, được nhiêu hay nhiêu.

Tôi nghĩ không một ai mà cho mình mượn số tiền lớn như thế được. Tôi bèn nghĩ ra một “diệu kế”. Đó là chia nhỏ số tiền ra để mượn nhiều người. Mỗi người tôi mượn 1 triệu, 2 triệu. Nếu mượn được 20 người thì trước mắt có 20 triệu đã.

Khi mượn tiền thì bạn mượn ai? Mượn bạn thân, chứ cửa nào mà mượn bạn lạ? Và chính vì mượn bạn thân, nên tôi … mất luôn bạn.

Người ta lập group riêng (sau này tôi mới biết), nói tôi thế này thế kia. Tôi buồn kinh khủng! Người dưng họ nói sao cũng được, nhưng bạn chơi lâu năm lại làm thế, quả thật tôi rất chạnh lòng. Cũng phải. Tại tôi có những cái các bạn không có: sự tung hô của cộng đồng mạng, thì phải chịu cảm giác mà các bạn không cần phải chịu: sự cảm thông lúc khó khăn. Kiểu lúc mày ngon, tao đâu có được hưởng gì, mắc gì lúc mày khó khăn tao phải giúp! Tôi nghĩ vậy, nên thôi, buồn một chút, chứ không dám giận.

Nhưng may tôi vẫn có những người bạn tốt. Họ cho tôi mượn tiền, họ chỉ tôi hướng đi để không quơ quào. Những ân nhân này, cả đời bạn không bao giờ quên nhé. Vì, họ cho bạn mượn tiền, cũng như trao cho bạn sợi dây khi bạn đang chết đuối. Bạn có thể trả nợ họ như trả lại sợi dây, nhưng ơn cứu mạng bạn cả đời mang ơn!

=> Bài học 3: Một người đang khốn đốn rất dễ rơi vào trạng thái QUƠ QUÀO. Nhưng khổ nỗi, càng quơ quào càng chết thảm. Vậy nên, hãy bình tâm suy nghĩ lại, vạch định lối đi đúng đắn.

Nguồn : Nguyễn Thái Dương

← Bài trước Bài sau →