2 Cái bẫy lớn của khởi nghiệp
- Người viết: Huyền Phương lúc
- Tin tức
Trong 1 tuần ngồi tư vấn trực tiếp cho các bạn The100, mình nhận ra điểm chung của nhiều bạn rơi vào 2 cái bẫy cực kỳ nguy hiểm trong sự nghiệp:
Cái bẫy 1: SINH CON TRONG GIAI ĐOẠN KHỞI NGHIỆP
Bản thân mình đã có gia đình và sinh 1 bé trai, và mình cảm nhận được sự mất tập trung của giai đoạn sinh con, chăm con thật sự rất khác biệt so với giai đoạn chưa có con.
Cho dù khi quyết định sinh con, mình đã chuẩn bị cả tâm lý và tài chính đầy đủ, và mình cứ nghĩ rằng mình sẽ ổn. Thực tế là, năng suất lao động của mình tụt xuống kinh khủng. Mình có thể so sánh năng suất lao động của bản thân theo từng giai đoạn như sau:
1. Giai đoạn chưa sinh con: 200-300%
2. Giai đoạn chuẩn bị sinh: 100-200%
3. Giai đoạn sinh con 0-6 tháng đầu: 0%
4. Giai đoạn chăm sóc con 6 - 12 tháng đầu: 0% - 50%
5. Giai đoạn chăm sóc con 12-24 tháng: 50-100%
Mình nhận ra khả năng tập trung ở trạng thái deep learning của mình tụt giảm rất nặng. Giai đoạn chưa sinh con mình mới có những trạng thái đó, sau này thì chưa làm được lại nữa. Sức ảnh hưởng và sự mất tập trung này khiến cho mình làm tụt năng suất lao động của bản thân. Tất nhiên, giai đoạn hiện tại mình đang trên đà bắt đầu trở lại trạng thái work hard để tăng tốc, nhưng nhìn lại thì mình phải mất từ 1-2 năm khủng hoảng công việc.
Nếu nói rằng sinh con ra để làm động lực, thì theo ý kiến chủ quan thì mình hoàn toàn không đồng tình. Động lực và trách nhiệm hoàn toàn có thể nhìn thấy trước và tự chuẩn bị. Nhưng nếu lỡ rồi, thì áp lực đó lấy làm động lực cũng tốt, chỉ là hiện trạng này sẽ khiến cho chúng ta khó khăn để phát triển hơn gấp nhiều lần mà thôi.
Cái bẫy 2: XÂY NHÀ KHÔNG MÓNG
XÂY NHÀ thì phải xây cái móng nhà trước, làm cho cái móng càng vững thì khả năng xây nhà càng cao. Điều hiển nhiên này không chỉ ứng dụng vào xây nhà, nó ứng dụng vào chính mỗi người. Mình không dám chắc những điều chia sẻ của mình có thể các bạn ứng dụng được ngay hay không, hoặc có thực sự phù hợp với các bạn hay không, nhưng từ lịch sử phát triển bản thân của mình thì kinh nghiệm của mình là phải cúi mình đi làm thuê trước nếu muốn tự xây 1 sự nghiệp lớn.
Trong 3 năm từ 2015-2018, bản thân mình có đi làm thuê cho 5 công ty xen lẫn với ít nhất 4 lần cố gắng khởi nghiệp (trong đó có 3 lần thất bại và 1 lần cuối thì thành công). Trước 2015 thì mình chỉ tập trung đi làm thuê đủ các loại việc (rửa bát trong nhà hàng, khuân vác lao động chân tay đủ cả). Tại sao lại như vậy? Mình nhận ra việc mình đi làm thuê là một điều cực kỳ đúng đắn.
Việc đi làm thuê cho mình những lợi ích như sau:
1. Kiến thức thực tế
Mình đã từng làm cả công ty nhỏ và công ty lớn, cả 2 giai đoạn của công ty đều giúp cho mình nhiều hiểu biết thực tế. Câu nói cửa miệng mà mình vẫn luôn nói khi đi xin việc là "Em không quan tâm đến lương, em đến để học".
Cụ thể là công ty lớn sẽ giúp mình có tầm nhìn hiểu biết về quy mô, quy trình, cơ cấu tổ chức và nhân sự của công ty lớn. Tuy rằng chưa áp dụng được ngay lập tức nhưng nó cho mình biết đến một giai đoạn nào đó, mình sẽ phải tổ chức cơ cấu công ty tương tự như vậy.
Làm ở công ty nhỏ và công ty mới khởi nghiệp cho mình hiểu được các thức bắt đầu từ con số 0 của những người khởi nghiệp, lường trước những khó khăn vất vả của founder. Mình nhận ra rất nhiều điều ở đó khi tự đặt mình vào vị trí founder, không nề hà bất kỳ công việc nào để giúp công ty thành công. Hiểu được những khó khăn của founder khi làm thuê giúp mình chuẩn bị kiến thức để đối mặt với tương lai khi tự khởi nghiệp.
2. Những mối quan hệ chất lượng cao
Đi làm thuê giúp mình tìm được rất nhiều người bạn mà sau này chính là những anh em đồng hành thân tín, thậm chí cả cổ đông. Còn một số trường hợp các bạn giỏi hơn mình còn tận dụng được cả những mối quan hệ đối tác của chính công ty để sau này khởi nghiệp thành công.
3. Hệ thống tư duy từ mentor
Tiêu chí đi làm thuê của mình là phải tìm được đúng người thầy giỏi để mình học. Nếu người ấy không đủ thuyết phục mình hoặc làm thực tế không như lời nói thì mình sẽ bỏ ngay lập tức vì làm lãng phí thời gian, thậm chí nguy hiểm đến tư duy của mình. Từ kinh nghiệm đi làm thuê, mình cũng tỉnh táo hơn rằng có nhiều người chỉ là ngồi ở vị trí đó nhưng năng lực thì thấp hơn vị trí. Chính nhận thức này giúp mình cố gắng phải đi trước 5-10 bước năng lực so với đội ngũ bên dưới, chỉ như vậy mới gánh team trong những thời điểm quan trọng, hoặc giúp đỡ được chính đội ngũ của mình. Chỉ khi mình càng giỏi thì mới có thể có những người giỏi đồng hành cùng.
Vấn đề của điểm này là biết phân biệt được cái tốt của mentor để học, loại bỏ cái xấu của mentor để không sai lầm. Copy cả thói hư tật xấu thì tự làm giảm khả năng phát triển của mình.
4. Hiểu được tâm lý của nhân sự
Làm thuê ở nhiều vị trí, cả nhân viên và cấp quản lý, mình được nhìn thấy và được hiểu thêm các vấn đề ở từng vị trí. Nhờ chính những điều thực tế phát sinh này, mình có thể đúc rút để chuẩn bị cho những vấn đề nhỏ nhưng nghiêm trọng phát sinh ở trong tập thể. Những kinh nghiệm này thật rất khó để thấy và biết được nếu chỉ ngồi ở trên cao nhìn xuống.
Nhân sự là cốt lõi của mọi hoạt động kinh doanh của công ty, nên hiểu được càng nhiều về nhân sự thì càng tốt.
---
Hiện tại nhiều bạn cố gắng khởi nghiệp mà không có suy nghĩ đi làm thuê, hoặc không dám đi làm thuê vì sợ mất mặt (đã làm chủ rồi lại đi làm thuê). Đây là điều mình thấy đáng tiếc. Vì những thứ tinh hoa trong các công ty lớn mà không trải nghiệm, không đi học hỏi thì chúng ta sẽ mãi khởi nghiệp với tư duy của thời kỳ đồ đá, tư duy nông dân. Tìm cách đứng trên vai người khổng lồ để vươn tầm nhìn ra xa, để người khổng lồ cho ta biết những điều ở độ cao của chúng ta không thể biết. Đi làm thuê chẳng có gì mất mặt cả, mà nó là chiến lược đúng đắn cho người muốn khởi nghiệp thành công.
Nguồn: Hùng Vũ