Pinduoduo và sự lên ngôi của Social Commerce

Pinduoduo có lẽ không phải là một cái tên được biết đến nhiều ở ngoài Trung Quốc, tuy nhiên khi bạn nhìn vào tốc độ tăng trưởng doanh thu và vốn hóa của nó thì quả thực là không đùa được. Trong vỏn vẹn 5 năm sau khi thành lập, startup thương mại điện tử này đạt mức doanh thu cực kỳ ấn tượng - xấp xỉ 5 tỷ USD. Con số đáng nể này đưa vốn hóa thị trường của Pinduoduo vượt ngưỡng 100 tỷ USD và trở thành công ty nhanh nhất từng đạt đến cột mốc này.

Source: Turner Novak

Pinduoduo trong tiếng Trung có nghĩa “Cùng nhau - tiết kiệm hơn - vui hơn”, người dùng của ứng dụng có thể chia sẻ link sản phẩm với bạn bè, người thân để mua hàng cùng nhau theo nhóm và đổi lấy những ưu đãi về giá. Được đứng sau hộ thuẫn bởi Tencent - một trong những nhà đầu tư lớn nhất, Pinduoduo đã tận dụng triệt để hệ sinh thái Wechat của Tencent để xây dựng nên những cộng đồng mua chung trên những group chat của nền tảng này. Từ đó thu về hàng trăm triệu người dùng với chi phí cực kỳ thấp.

Năm 2021 xu hướng tích hợp yếu tố mạng xã hội “social” vào product ngày càng được ưa chuộng tại phương Tây. Có thể kể đến Venmo - social payment, Strava - social fitness, Fornite - social gaming và hàng loạt ví dụ khác được a16z liệt kê trong series Social Strikes Back. Điều này càng khiến việc nhìn lại những bài học phía sau câu chuyện thành công của Pinduoduo và social commerce trở nên giá trị hơn bao giờ hết.

Ảnh có chứa bàn

Mô tả được tạo tự động

Source: a16z, Social Strikes Back

Lịch sử hình thành

Founder của Pinduoduo - Colin Huang sinh ra tại Hàng Châu năm 1980. Ngay từ nhỏ, Colin đã bộc lộ năng khiếu toán học thiên bẩm. Sau khi đạt được nhiều giải thưởng, anh được tuyển thẳng vào Đại học Chiết Giang với học bổng ngành Khoa học máy tính. Tại đây Colin có cơ hội thực tập tại Microsoft, một trong những nơi quy tụ cực kỳ nhiều anh tài công nghệ của Trung Quốc thời đó. 

Colin tiếp tục theo học thạc sĩ tại Đại học Wisconsin-Madison, Mỹ. Sau khi tốt nghiệp anh gia nhập Google trở thành một trong những thành viên của đầu tiên của Google tại Trung Quốc. Anh được nhận nhiệm vụ di chuyển giữa Mỹ và TQ để trực tiếp báo cáo tình hình kinh doanh cho Google founders - Larry Page và Sergey Brin. Sau 3 năm tại Google, quá mệt mỏi vì công việc và việc di chuyển liên tục, Colin quyết định nghỉ việc để chuyển sang con đường khởi nghiệp.

Công ty đầu tiên của Colin là Ouku, một website chuyên bán đồ dùng điện tử. Colin và team gây dựng Ouku đạt đến doanh thu khoảng $20-40 triệu USD, thì nhận ra rằng trong dài hạn họ không có cửa để cạnh tranh với JD về quy mô và giá. Colin quyết định bán Ouku, bỏ túi 2,2 triệu USD.

Không lâu sau, Colin và những thành viên cũ của Ouku cùng nhau lập ra Xunmeng, một game studio xây trên nền của ứng dụng Wechat. Mặc dù không đi đến đâu nhưng dự án này đã nhen nhóm những ý tưởng về gamification sau này được Colin áp dụng triệt để vào product tại Pinduoduo.

Trong hai năm sau đó, Colin nung nấu về startup tiếp theo. Một ý tưởng nhen nhóm trong anh về việc kết hợp hai gã khổng lồ Alibaba (ecommerce) và Tencent (social, games). Theo Colin thì “ Họ chưa bao giờ thực sự hiểu về cách người kia kiếm tiền như thế nào”. Cả hai công ty đều cực lớn và rất thành công, nhưng vẫn luôn có một khoảng cách giữa họ. Giữa social và commerce.

Với Alibaba, ecommerce vẫn là one-player game. Với Tencent, thì họ vốn vẫn mở cửa cho các nhà phát triển xây trên nền superapp Wechat, nhưng dường như vẫn chưa có ai biết tận dụng yếu tố viral của social group trên Wechat như một kênh phân phối và một cách để tăng AOV (giá trị trung bình mỗi đơn hàng) cho ecomerce.

Đây chính là khoảng trống mà Colin Huang muốn lấp đầy.

Pinhaohuo

Năm 2015, Colin lập ra startup bán nông sản Pinhaohuo (PHH), tiền thân của Pinduoduo sau này. Mô hình kinh doanh của PHH đơn giản là mua sỉ hoa quả, rau củ từ nông dân và bán lẻ trực tiếp cho người mua thông qua app PHH mà họ tạo ra trên Wechat. Thị trường trái cây của Trung Quốc khi đó tăng trưởng rất nhanh nhưng chỉ có 3% được bán online.