Thế giới 5.0 - Thời tới không cản nổi phần 1
- Người viết: Thành Trung lúc
- Tin tức
Dạo này nhận mấy brief tư vấn liên quan sâu Marketing nên tôi có dịp nghiên cứu bộ môn này nhiều hơn. Tối qua đọc cuốn Marketing 5.0 của Philip Kotler thấy ranh giới giữa tầng chiến lược doanh nghiệp, tầng công nghệ Marketing và tầng Dữ liệu càng ngày càng nhạt nhòa. Đọc sách Marketing mà tưởng đọc tài liệu tư vấn chiến lược của McKinsey hay báo cáo công nghệ của Gartner, cảm giác rất đã.
Tôi sẽ trích những đoạn tâm đắc, lồng ghép thêm các lý thuyết về Digital Economy 5.0 hay Society 5.0, kiến thức về công nghệ cũng như kinh nghiệm chinh chiến thực tế để tạo nên một loạt bài xoay quanh chủ đề “Thế giới 5.0”. Hy vọng nhận được ủng hộ của các bạn.
Bài 1 – Cú hích từ Covid 19
Chuyện cũ mèm, là C*vid 19 đã đấm túi bụi nền kinh tế toàn cầu, cũng có những cú thẳng vào mặt nhưng có cú chỉ sượt qua mông. Những ngành chỉ bị sượt qua mông không phải là vô tình, mà vì đám ứng được 2 tiêu chí: ngành đó đã chuyển đổi số (company digital readiness ở mức cao) và khách hàng của họ cũng đã quen với môi trường số (customer digital readiness ở mức cao).
Khi lấy 2 tiêu chí trên làm chuẩn, các ngành tiêu biểu được chia thành 4 nhóm: TRUYỀN THỐNG (ORIGIN), TIẾN LÊN (ONWARD), TỰ NHIÊN (ORGANIC) và ĐA KÊNH (OMNI)
- Nhóm Origin: bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi C*vid19, bao gồm Hospitality và Healthcare. Nhóm ngành này có khách hàng vẫn phụ thuộc vào nhiều tương tác vật lý giữa người với người (Customer digital readiness thấp) và ngành này cũng chỉ mới chuyển đổi số hời hợt ở các tầng Adtech (Company digital readiness thấp).
- Nhóm Onward: đại diện nhóm này là ngành Retail - bán lẻ. Dù ngành này có sự chuyển đổi số mạnh mẽ (company digital readiness cao) nhưng khách hàng vẫn chưa quen với việc số hóa (customer digital readiness thấp). Bằng chứng là tỉ lệ đơn hàng trên thương mại điện tử vẫn chỉ loanh quanh 12%.
- Nhóm Organic: đại diện nhóm này là ngành Automative. Ngược với nhóm Onward, khách hàng ngành này sử dụng công nghệ rất tốt – 95% khách hàng dành thời gian nghiên cứu về sản phẩm trên online (webrooming), nhưng công ty thì vẫn kinh doanh truyền thống nên 95% khách hàng vẫn phải ra showroom mua xe.
- Nhóm Omni: đại diện là nhóm Financial Service – Dịch vụ tài chính và High tech - Công nghệ (Zoom, Salesforce, Amazon…). Nhờ DNA công nghệ (company digital readiness cao) và khách hàng cũng đã quen với hành vi tương tác số (customer readiness cao) nên C*vid-19 còn là điều kiện để phát triển và tăng trưởng.
Vậy đâu là chiến lược cho các nhóm ngành? Phương án nghe chừng cũng đơn giản: nhóm nào có khách hàng chưa chuyển đổi số cho họ, nhóm nào chưa tự chuyển đổi số thì nhanh chóng chuyển đổi, nhóm nào đã có đầy đủ thì phải giữ chặt và tăng cường. Nhưng nói thì dễ, làm thì khó. Thầy Philip Kotler có đưa ra một số tips như sau:
- Chiến lược chuyển đổi số khách hàng:
- Cho thêm nhiều quyền lợi khi sử dụng môi trường số ĐỒNG THỜI giảm quyền lợi khi sử dụng môi trường vật lý, thật chí đóng cửa luôn kênh offline càng tốt.
- Tạo một hành trình trải nghiệm số hoàn hảo, không chê vào đâu được.
- Số hóa các tương tác vật lý. Ví dụ dùng video call để trao đổi trực tiếp với nhân viên ngân hàng.
- Chiến lược chuyển đổi số doanh nghiệp:
- Đầu tư vào hạ tầng công nghệ như xây dựng nền tảng dữ liệu cũng như chuyển đổi quy trình cho phù hợp với xu hướng công nghệ. Tôi đã gặp doanh nghiệp bỏ rất nhiều tiền để “xây dựng dữ liệu” nhưng lại không biết làm tiếp theo nên bỏ xó. Tôi cũng đã gặp doanh nghiệp đầu tư cho chuyển đổi số nhưng thật ra là “số hóa” cái quy trình cũ mèm thiếu hiệu quả của họ. Nghĩ mà buồn cho số tiền lãng phí!
- Đầu tư vào trải nghiệm khách hàng: cái này rõ ràng quá rồi, không nhắc lại nữa.
- Xây dựng một tổ chức có văn hóa chuyển đổi số. (Gần đây, thỉnh thoảng tôi được doanh nghiệp mời đứng lớp đào tạo nội bộ, với mục tiêu để trang bị cho toàn bộ nhân viên một tâm hồn đẹp trong thời kỳ số, để họ hiểu, hành động và hợp tác. Những cơ hội đó cho tôi cảm nhận được rõ hơn sự tiến bộ về văn hóa và tầm nhìn của một nhóm các lãnh đạo tiên phong so với nhóm tìm cách trì hoãn xu thế này).
- Chiến lược củng cố vị thế:
- Tiên phong trong việc nghiên cứu, ứng dụng sớm công nghệ.
- Liên tục tạo ra trải nghiệm khách hàng mới: nếu đã làm bài bản hành trình khách hàng trên online? Hãy tạo ra trải nghiệm từ offline lên online mượt mà như online. Nếu đã làm tốt trải nghiệm trên các kênh hiện có? Hãy tạo ra kênh mới và trải nghiệm mới.
- Khẳng định thương hiệu “Digital-First”. Không nhất thiết là công ty công nghệ hay đầu tư rất nhiều tiền vào hạ tầng công nghệ, hãy xây dựng một chiến lược và tầm nhìn mà cốt lõi chính là Digital.
Đón đọc “Bài 2 – Mô hình kiến trúc chuẩn 5.0”
Tác giả bài viết: Anh Nam Nguyen - CEO Opla Consulting