Review Sharktank mùa 6 tập 10

Xem tại đây: 

 
[Startup] 1: Slimcase

Slimcase làm ốp lưng điện thoại siêu mỏng 1mm, tự thiết kế, đặt hàng sản xuất tại Trung Quốc nhưng nhắm vào phân khúc chất lượng cao. Bức tranh tài chính nhiều điểm sáng, phát triển nhanh và tăng trưởng liên tục: doanh số năm ngoái 45 tỉ, năm nay dự đoán 100 tỉ, lợi nhuận chừng 15%, đã bán được nhiều thị trường.

Các shark hỏi nhiều về sản phẩm và tài chính, nhưng tôi lại thấy cái cần hỏi nhiều là cách các bạn ấy đã quảng cáo và bán hàng. Tại sao?

Nếu các bạn còn nhớ, các mùa trước cũng nhiều có startup làm mỹ phẩm, đồng hồ…có mô hình tương tự: tự thiết kế, outsource sản xuất, sau đó tự làm marketing và bán hàng rất thành công. Một số nhỏ tiếp tục thành công, nhưng một số lớn bùng lên rồi xẹp rất nhanh.

Nhiều bạn làm rất giỏi ecommerce, biết rõ ngõ ngách cách thức, kể cả những cách làm đen, xám nên có chiêu thức làm các chỉ số rất đẹp. Vì vậy, đối với các startup có ít rào cản, sản phẩm đơn giản, các shark cần làm rõ để loại trừ các startup phát triển không bền vững. Nếu chưa tìm hiểu, việc đầu tư có vẻ hơi hấp tấp và cảm tính.

Đánh giá chung: 7 điểm - Deal tốt, giá đẹp, dàn founder cũng nét, tiếc là sản phẩm đơn giản nên cái muốn nghe thì chưa được nghe.

[Startup2]: Ông Bụt

Ông Bụt được xếp vào nền tảng Edtech, doanh thu 17 tỉ từ nền tảng dạy trực tuyến, khóa học online. Bạn founder có lẽ là một người học giỏi toán và dạy cũng giỏi, nhưng số liệu doanh nghiệp bạn cung cấp là một mớ mơ hồ hỗn độn giữa doanh thu, chi phí, lợi nhuận.

Theo tôi hiểu thì ông Bụt có 2 nguồn doanh thu chính:

  • Một là thu tiền khóa học online, kiểu trả tiền thì được thầy dạy qua các khóa học ghi hình sẵn. Hình thức này chắc không mới khi so sánh với các nền tảng khác, số lượng khóa học cũng chỉ lèo tèo vài khóa/lớp nên không ăn thua lắm.

  • Hai là dạy trực tuyến, có giảng viên thật nhưng dạy online. Nôm na Ông Bụt kết nối giáo viên - học sinh, và thu phí nền tảng trung gian. Theo tôi, điểm yếu cốt tử của Ông Bụt chính là số lượng giáo viên chỉ giới hạn và không thể tăng theo cấp số nhân. Khác với Grab, dạy học là một hình thức đặc biệt và chất lượng giảng dạy rất phụ thuộc vào giáo viên. Nếu 100 bác tài xe ôm có thể cung cấp 1 dịch vụ gần như giống nhau, thì 100 giáo viên cung cấp chất lượng quá khác nhau. Việc đảm bảo chất lượng đồng đều và ổn định cho một nền tảng trực tuyến quá khó.

Đánh giá chung: 6 điểm - Nếu các bạn hả hê với sự lúng túng của bạn founder thì tôi lại thấy tiếc. Một con cá mập không thể leo cây. Một người rất giỏi chuyên môn của mình khi đặt sai vị trí lại trở thành một người rất dở. Nếu bạn founder có thêm 1 người hỗ trợ trong mô hình, bán hàng, có lẽ sẽ thành công hơn.

[Startup3]: Wareflex

Đây là startup được định giá cao trước khi lên sharktank (4 triệu đô) khi ở giai đoạn sớm, chỉ 2 năm ra mắt và doanh thu bé xíu (50K USD) nhờ mô hình hợp thời và tiềm năng hứa hẹn trong ngành.

Wareflex cung cấp đa dịch vụ trong ngành logistic, bao gồm nhà kho, vận chuyển và phần mềm.

Tôi thấy 1 số thông tin ảo lòi: chi phí có 1 lead khách hàng tiềm năng là 5 USD (100K VND), tỉ lệ chuyển đổi 10% (không hiểu là chuyển đổi thế nào) nhưng lại ra chi phí có 1 khách hàng là 800K VND, rồi mỗi khách hàng lại đem lại hợp đồng trị giá trung bình 1 triệu USD. Rồi nghe một hồi tôi cũng chưa hiểu là thu tiền từ phần mềm (SaaS) hay thuê kho bãi mà lại tính theo ARR (chỉ số này chỉ dành cho SaaS).

Đánh giá chung: 5 điểm -  lí do tôi vẫn chưa hiểu Wareflex làm gì thì các shark đã chốt deal.
 

Idea by: Nam Nguyễn - CEO Opla CRM

← Bài trước Bài sau →