SIX SIGMA - từ đánh giá chất lượng sản phẩm tới chiến lược quản lý cốt lõi

Được phát triển từ năm 1980 bởi Motorola với mục đích sử dụng cho ngành sản xuất. Sau này, Jack Welch trong quá trình xây dựng và phát triển General Electric áp dụng và phổ biến rộng rãi Six Sigma như một chiến lược quản lý cốt lõi. Đây có thể coi là một phương pháp quản lý chất lượng tiên tiến nhờ cải thiện hiệu suất, tối ưu hóa quy trình và nâng cao chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ nhằm giảm thiểu sai sót và biến động trong các quy trình sản xuất và kinh doanh.

Để hiểu rõ hơn về 6SIGMA, chúng ta cần đi sâu vào các nguyên lý cơ bản của phương pháp này

1. Tư duy dựa trên dữ liệu và thống kê
Mọi quy trình đều có thể được đo lường, phân tích và cải thiện. 6SIGMA yêu cầu sử dụng dữ liệu và phân tích thống kê để xác định nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề và đưa ra các giải pháp dựa trên bằng chứng. Mọi quy trình đều có sự biến động tự nhiên, nhưng mục tiêu của Six Sigma là kiểm soát và giảm thiểu sự biến động này để đạt được chất lượng cao hơn. Sử dụng các công cụ như biểu đồ kiểm soát, phân tích hồi quy và phân tích phương sai (ANOVA) thường được sử dụng trong Six Sigma để phân tích dữ liệu.

2. Tập trung vào khách hàng (Customer Focus)
Mọi cải tiến quy trình đều phải nhằm mục tiêu cuối cùng là đáp ứng hoặc vượt qua kỳ vọng của khách hàng. Yêu cầu của khách hàng (CTQ - Critical to Quality): Six Sigma tập trung vào những yếu tố quan trọng đối với chất lượng từ góc nhìn của khách hàng. Các yếu tố này được xác định và theo dõi chặt chẽ trong quá trình cải tiến.

3. Tiếp cận quy trình (Process Approach)
6SIGMA xem doanh nghiệp như một tập hợp các quy trình liên kết với nhau. Mỗi quy trình có thể được cải thiện để đóng góp vào chất lượng tổng thể của sản phẩm hoặc dịch vụ. Bằng cách đo lường hiệu suất của từng quy trình, doanh nghiệp có thể xác định và khắc phục các điểm yếu, từ đó cải thiện chất lượng và hiệu quả.

4. Cải tiến liên tục (Continuous Improvement)
6SIGMA khuyến khích việc liên tục cải thiện các quy trình thông qua các vòng lặp cải tiến. Điều này được thực hiện thông qua hai chu trình chính là DMAIC và DMADV.
-DMAIC: Chu trình này áp dụng cho các quy trình hiện có với mục tiêu cải tiến hiệu suất.
-DMADV: Chu trình này được sử dụng để thiết kế hoặc tái thiết kế các quy trình mới, 

5. Cam kết của lãnh đạo (Management Commitment)
Sự cam kết của lãnh đạo cấp cao là một yếu tố quyết định thành công lớn nhất. Lãnh đạo không chỉ cần hỗ trợ về mặt tài chính và nguồn lực, mà còn phải thúc đẩy văn hóa cải tiến liên tục trong toàn tổ chức trong nội bộ doanh nghiệp. Quan trọng nhất là cần phân chia công việc rõ ràng tới từng bậc nhân sự, theo từng level cụ thể.

6. Cách tiếp cận theo cấu trúc (Structured Methodology)
6SIGMA sử dụng một phương pháp tiếp cận có cấu trúc rõ ràng để giải quyết các vấn đề và cải thiện quy trình. Điều này giúp đảm bảo rằng các dự án 6SIGMA được triển khai một cách có hệ thống và có thể đo lường được kết quả. Mỗi dự án  thường bắt đầu với một bản điều lệ dự án (Project Charter) bao gồm các mục tiêu, phạm vi, và các nguồn lực cần thiết. Trong các dự án đó đều cần xác định rõ ràng vai trò và trách nhiệm của từng thành viên trong dự án, từ lãnh đạo cho đến các thành viên nhóm.

7. Giảm thiểu sai sót và tối ưu hóa hiệu suất (Defect Reduction and Performance Optimization)
Một trong những mục tiêu cốt lõi của 6SIGMA là giảm thiểu sai sót trong quy trình, đạt được mức độ sai sót không quá 3,4 lỗi trên một triệu cơ hội (DPMO - Defects Per Million Opportunities). Điều này giúp tối ưu hóa hiệu suất và đảm bảo chất lượng cao nhất cho sản phẩm hoặc dịch vụ.

SIX SIGMA là một phương pháp tiếp cận dựa trên dữ liệu và phân tích thống kê để giảm thiểu sai sót, cải thiện hiệu suất và nâng cao chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ. Bằng cách áp dụng các nguyên lý này, kết hợp với các phần mềm quản lý, tối ưu hóa quy trình doanh nghiệp có thể đạt được sự cải thiện đáng kể trong hiệu suất và chất lượng, từ đó nâng cao sự hài lòng của khách hàng và tăng cường cạnh tranh trên thị trường.

Tags: SIX SIGMA
← Bài trước Bài sau →