SHARK TANK MÙA 7 - SEICHOU MACHI RAMEN – HƯƠNG VỊ NHẬT TỪ TÀI NGUYÊN ĐẤT VIỆT


Tập 1 mở màn với cả hai màn gọi vốn thành công. dưới đây là một số cảm nhận của mình, hy vọng chúng ta cùng học hỏi từ họ. Bắt đầu với thương hiệu Seichou Machi Ramen - quán mì ramen thủ công do bạn Duy và bạn Hồng Nhung sáng lập.   
 
SÁNG KIẾN TỪ TÌNH YÊU VỚI VĂN HÓA ẨM THỰC NHẬT  
 
Theo chia sẻ từ chính chủ, các bạn đã có 4 năm học tập và sinh sống tại Nhật, được quan sát và tiếp cận trực tiếp với văn hóa ẩm thực nơi ấy, nên các bạn hiểu được giá trị cốt lõi của một sản phẩm. Đặc biệt đối với mì ramen, thì đây là một món ăn bình dân, dành cho nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội, nên giá thành một tô tại Nhật không quá cao.  
 
Theo mình tìm hiểu thì giá của một bát mì ramen dao động từ khoảng 1.000 yên (6,5 USD), đổi ra tiền Việt thì khoảng 170.000 VNĐ/phần. Có thể các bạn sẽ thấy giá thành rất cao, nhưng sự thật là vì hầu hết mì ramen trên thế giới đều được bán theo giá Nhật, chứ trong thực tế, giá tiền mà người Nhật chi cho một tô mì ramen chẳng hơn giá tiền mà người Việt chi cho một tô phở, một tô hủ tiếu ngon, nếu đặt trên cùng một hệ quy chiếu về giá trị món ăn mà không tính đến mức sống, mức thu nhập.  
 
Cũng từ đó mà các bạn quyết định khởi động “ước mơ bình dân hóa” giá thành mì ramen tại thị trường Việt bằng nguyên liệu Việt. Không dừng lại ở việc kinh doanh với cửa hàng vật lý (Physical Store), các bạn cũng muốn mở rộng kinh doanh D2C với sản phẩm mì ramen tươi cấp đông, thuộc dòng ready-to-eat, chỉ cần hâm nóng là sử dụng được. Nhằm mục đích xa hơn là phân phối sản phẩm trên phạm vi toàn quốc.  
 
HƯỚNG ĐI VỚI MÔ HÌNH B2C - CHUỖI NHÀ HÀNG MÌ RAMEN  
 
Trước khi bàn về mức độ khả thi của giấc mơ thì mình sẽ đi qua các thông tin mà Seichou Machi Ramen chia sẻ khi gọi vốn. Đầu tiên, tên thương hiệu là điều khiến mình có phần băn khoăn, tên thương hiệu là công cụ truyền thông quan trọng thứ nhất, vì sẽ còn phải nhắc đến rất nhiều lần. Với tên hiện tại của các bạn thì còn dài, đâu đó sẽ gây khó nhớ và khó tiếp cận tới khách hàng của mình. Bên cạnh đó, khi bạn đặt từ “Ramen” ngay ở tên thương hiệu sẽ khiến mình bị giới hạn mặt hàng kinh doanh, dù có thể các bạn chỉ muốn ramen là sản phẩm chính thì điều này cũng không nên nếu hướng đến phát triển doanh nghiệp một cách lâu dài.  
 
Điểm sáng của sản phẩm là sử dụng nguyên vật liệu Việt để giảm chi phí sản xuất một tô mì ramen, ý tưởng này mình thấy khá hay. Tài nguyên nông sản Việt vốn rất dồi dào mà. Và cũng như bạn chia sẻ, với 3 tháng không marketing cho cửa hàng, khách hàng vẫn quay trở lại và trở lại vì chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, thật sự thì giá thành một tô mì thủ công từ 79.000 - 109.000 VNĐ/ tô, vẫn chưa phải là mức giá đủ cạnh tranh với thị trường hiện tại và hạn chế phân khúc người tiêu dùng sử dụng sản phẩm thường xuyên.

Do đó, theo đánh giá của mình, mô hình B2C với nhà hàng vẫn đang vận hành tốt, và có thể mở rộng quy mô nhà hàng. Đối với việc mở chuỗi, thật ra mình không đánh giá cao, nếu 2 – 3 nhà hàng thì không thành vấn đề. Nhưng nếu là chuỗi lớn thì bạn sẽ phải tính thêm về chi phí thuê mặt bằng, chi phí vận hành, nhân sự quản lý và nhân sự kỹ thuật (đầu bếp).... và nó chắc chắn sẽ chiếm một khoản kha khá.   
  
Ngoài ra, điểm yếu của các quán thủ công khi muốn mở chuỗi là chất lượng sản phẩm khó đồng nhất. Còn đối với việc nhượng quyền thì hoàn toàn “không lối thoát”, để nhượng quyền các bạn cần phải đáp ứng được ít nhất 3 tiêu chí mà mình xem là cơ bản nhất. Đầu tiên là thương hiệu phải mạnh, phải có chỗ đứng. Thứ 2, phải có công thức độc quyền, có sản phẩm cốt lõi (USP) và cuối cùng là sản phẩm nên ít đụng hàng với các ông lớn. Bởi, công thức để tạo nên 1 tô mì ramen thì không phải khó, kể cả là mì tươi, mình chắc chắn các ông lớn họ đều có trong tay cả “sâu” công thức. Vậy nên nếu chọn phát triển mô hình này, bạn cần tập trung vào làm thương hiệu và phát triển sản phẩm thật tốt. Từ đó hy vọng mở chuỗi mới có khả năng duy trì.    
  
HƯỚNG ĐI VỚI MÔ HÌNH D2C - SẢN PHẨM MÌ TƯƠI CẤP ĐÔNG   
  
Bên cạnh phần vốn đầu tư cho nhà xưởng sản xuất (có nhiều bài phân tích rồi), thì mình thấy điểm bất lợi của sản phẩm đóng gói này là thời hạn sản phẩm quá thấp, chỉ từ 30 - 45 ngày cap dong và chỉ 1 ngày nếu để ở ngăn mát tủ lạnh. Điều này đồng nghĩa với việc, sản phẩm chỉ có thể vận chuyển trong khu vực nội thành, giao trong ngày đối với phương pháp vận chuyển giao hàng nhanh, và nếu vậy thì gần như nhận đơn xong là sẽ phải dùng luôn, vì sản phẩm rã đông rồi thì không cấp đông lại được. Vậy nên, nếu muốn tăng thời hạn bảo quản, khả năng bạn phải đầu tư xe lạnh để vận chuyển, và chắc chắn đây là một khoản chi phí cao... 
 
Ngoài ra, đối với các kênh MT,GT, thì dường như bạn chỉ có thể hợp tác với các bên siêu thị trung hoặc TTTM, vì chỉ những bên lớn mới có hệ thống tủ đông đặt chuẩn để hỗ trợ bảo quản sản phẩm này. Ở đây cũng có điểm bất lợi là các sản phẩm để tủ đông thì sẽ rất khó tiếp cận khách hàng, đặc biệt đối với các thương hiệu còn mới. 
 
Như vậy có thể thấy, mặc dù giá bán khá ổn từ 50.000 - 60.000 VNĐ/phần nhưng bất lợi nói trên có thể sẽ khiến người tiêu dùng cân nhắc giữa việc order một phần ramen nóng hổi đến tận nhà thay vì mua một phần ramen đông lạnh...    
  
Nên nếu tiếp tục với mô hình D2C cho sản phẩm mì đông lạnh thì cái thật sự cần là đầu tư vào công nghệ sản xuất nhằm tăng khả năng bảo quản sản phẩm. Với kế hoạch gọi vốn 2,5 tỷ đồng để đầu tư cả nhà hàng và sản phẩm đóng gói, mình thấy đây là điều không khả thi. Với quy mô nhỏ, số tiền 2,5 tỷ đồng không đủ để đầu tư cải tiến một xưởng sản xuất, đặc biệt khi phải đầu tư thêm cả nhà hàng ở cùng thời điểm.   
  
Chưa kể, đầu tư sản xuất là một mảng phức tạp, kể cả khi Founder đã có kinh nghiệm tại xưởng sản xuất mì lớn trong nhiều năm. Mỗi sản phẩm khác nhau thì quy trình sản xuất và máy móc đều khác. Ngoài ra, nếu thời hạn sử dụng không thay đổi, thì điểm phức tạp tiếp đến đó là cân bằng giữa công suất sản xuất và khả năng tiêu thụ.   
  
Từ những phân tích trên, thì với mình, ước mơ này vô cùng đẹp tuy nhiên nó vô vàn thử thách. Với thị trường hội nhập của Việt Nam như hiện nay, mình e rằng các bạn không còn nhiều “đất” để thỏa sức vẫy vùng. Và nếu bản thân trong trường hợp có quyền quyết định thì có lẽ mình sẽ không đầu tư. Tuy nhiên, cũng không đồng nghĩa với việc bạn sẽ không thể thành công. Mình tin nếu các bạn có thể tối ưu hóa mô hình kinh doanh mình đang sở hữu, chuẩn hóa mọi quy trình rồi mới nghĩ tiếp đến việc triển khai nhượng quyền/ mở thêm chi nhánh... thì chắc chắn bạn sẽ tìm ra lối đi phù hợp.   
  
Cuối cùng, vẫn chúc bạn thành công hợp tác với 2 Sharks và có thêm nhiều bài học từ kinh nghiệm, trải nghiệm của những người đã rất lão làng trong lĩnh vực của họ.
 
Hy vọng chút chia sẻ này sẽ giúp các Startups có thêm góc nhìn về mô hình kinh doanh để từ đó tìm cho mình hướng phát triển phù hợp. Chúc các bạn thành công!

← Bài trước Bài sau →