Quy luật phổ quát của sự thành công - Giáo sư Nguyen Tuan
- Người viết: Huyền Phương lúc
- Tin tức
(Review của giáo sư Nguyen Tuan về cuốn The Formula. Mình không hoàn toàn đồng ý quan điểm về sự thành công ở đây nhưng thấy có ý mới khá hay nên share)
Sự thành công là điều ai cũng mong muốn, và cũng là đề tài của rất nhiều đầu sách loại 'học làm người'. Trong cuốn sách "The Formula", tác giả Albert-László Barabási (là một giáo sư về khoa học mạng -- network science) cung cấp cho chúng ta nhiều bài học thú vị và 5 quy luật của thành công. Cái note này chia sẻ với các bạn 5 quy luật đó, với hy vọng giúp các bạn định hình lại chính mình.
1. Thành công là gì?
Trước hết chúng ta cần phải có một định nghĩa về khái niệm 'thành công'. Trong Khoa học Thành công (Science of Success) người ta phân biệt giữa 'performance' và ‘success'. Rất khó dịch chữ performance sang tiếng Việt trong ngữ cảnh chúng ta đang bàn, nhưng một cách ngắn gọn: performance là việc mà chúng ta làm. Đó là bức tranh bạn sáng tác, là cuốn tiểu thuyết bạn viết, là công trình nghiên cứu khoa học bạn công bố, là bệnh lý bạn điều trị. Nói tóm lại, performance là sản phẩm' bạn làm ra, là thành tích của bạn.
Còn success hay 'thành công' dùng để chỉ tầm ảnh hưởng của sản phẩm. Bức tranh bạn sáng tác có viện bảo tàng nào trưng bày không, cuốn sách bạn xuất bản có ai mua đọc, công trình khoa học bạn xuất bản có ai sử dụng trong thực tế, bệnh lí bạn điều trị có được đồng nghiệp công nhận. Do đó, khái niệm 'thành công ở đây nên hiểu là tác động của sản phẩm. (Bây giờ tôi mới hiểu tại sao các cơ quan tài trợ khoa học ở Úc đòi hỏi ứng viên phải tự nói về 'impact' của mình).
Để thành công, bạn cần có một (hay nhiều) sản phẩm với phẩm chất cao, bạn cần có kĩ năng xuất sắc trong việc làm. Nhưng phẩm chất của sản phẩm và kỹ năng là điều kiện cần, chớ chưa đủ cho thành công. Để thành công, sản phẩm đó phải gây ảnh hưởng trong cộng đồng. Trong "The Formula", Barabási trình bày hàng loạt trường hợp thú vị để minh chứng cho điểm đó.
Chẳng hạn như trong bóng đá, chúng ta rất dễ đánh giá các cầu thủ qua kỹ năng và các con số thống kê về số lần thắng hay thua, và do đó thành tích của họ rất dễ đo lường. Sự thành công của các cầu thủ bóng đá, do đó, rất dễ đánh giá.
Tuy nhiên, nếu bạn làm trong lĩnh vực nghệ thuật, thì đánh giá về thành công rất khó. Một công trình nghệ thuật, như một bức tranh chẳng hạn, chúng ta rất khó có một thước đo khách quan để biết giá trị của nó. Chúng ta có lẽ sẽ hỏi bức tranh này có được trưng bày trong một viện bảo tàng nghệ thuật nổi tiếng hay chỉ là một phòng tranh vô danh nào đó. Chúng ta không có tiêu chuẩn cụ thể để đánh giá một bức tranh, nếu không biết nơi mà bức tranh được trưng bày. Giá trị của bức tranh phải được đánh giá trong bối cảnh nó ra đời, tác giả và danh tiếng của tác giả.
Bài viết liên quan: Gọi vốn “khủng” không đồng nghĩa với khởi nghiệp thành công
2. Thành công là hiện tượng tập thể: câu chuyện về 2 viên phi công tác chiến
Thời Thế chiến thứ Nhất (1914 - 1918), viên phi công người Đức Manfred von Richthofen (1892 - 1918), còn được biết với nickname là 'Red Baron' vì ông cho sơn chiến đấu cơ màu đỏ, được nhiều người biết đến. Ông là một phi công tác chiến dũng cảm và điêu luyện, với thành tích khủng: bắn hạ 80 máy bay của địch và tánh can đảm trong những trận không chiến! Ông là chủ đề của nhiều cuốn sách và phim ảnh Hollywood, và người đời đều biết ông là phi công tác chiến số 1 trong Thế chiến thứ Nhất.
Party sau event của group Growth Mastermind
Phi công người Pháp René Fonck (1894 - 1953) cũng là một phi công tác chiến cùng thời và có thành tích còn 'khủng' hơn von Richthofen. Phi công Fonck đã từng bắn hạ 127 chiến đấu cơ của Đức, và cũng gan dạ như von Richthofen. Nhưng Fonck còn hơn 'đồng nghiệp' ở chỗ ông có kĩ thuật tác chiến tuyệt vời, và chiến đấu cơ ông lái không hề trầy xước gì trong suốt cuộc chiến. Nhưng sau này rất ít ai biết đến ông.
Tại sao 2 phi công chiến đấu cùng thời gian, cả hai cùng có thành tích 'khủng', nhưng một người thì nổi tiếng, còn người khác thì không? Cái khác biệt chính giữa 2 người là một người có ích cho hệ thống (von Richthofen) còn người khác thì không. Sự thành công của von Richthofen liên quan đến biến cố chính trị xã hội xảy ra. von Richthofen lúc đó là một 'đối tượng' rất cần thiết cho bộ máy tuyên truyền của Đức, họ cần tìm một người 'anh hùng' để hun đúc tinh thần yêu nước. Thành ra, von Richthofen là một sản phẩm của tuyên truyền, vì cái mạng xã hội cần ông ấy.
Tình hình cũng giống như ông Phạm Tuân và Eugene Trịnh, cả hai đều là phi hành gia, nhưng ông Phạm Tuân thì được nhiều người Việt biết đến hơn ông Eugene. Ngay cả ở Mĩ, ít người biết đến Eugene Trịnh là phi hành gia gốc Việt (Bạc Liêu). Bài học là nếu không có cộng đồng, cá nhân dù với thành tích tuyệt vời thì vẫn ít được người biết đến.
Bài viết liên quan: Recap: '' Tài chính - Marketing giỏi là phải kiếm được tiền'' - Mr. Lê Anh Tuấn
Nói theo ngôn ngữ của Khoa học Mạng (network science), mỗi chúng ta chỉ là một cái 'node' (nút) trong một mạng phức tạp gồm hàng tỷ nodes, và trong mạng lưới đó tất cả chúng ta đều có liên quan hay lệ thuộc lẫn nhau. Do đó, để biết thành tích của một cá nhân có gây tác động, chúng ta cần phải xem xét đến các nodes khác phản ứng trong mạng lưới đó.
Những câu chuyện trên nói lên rằng thành công không phải chỉ nhờ vào thành tích hay công trình hay sản phẩm bạn làm ra, mà là lệ thuộc vào sự đánh giá và công nhận của cộng đồng. Thành công do đó là một hiện tượng mang tính cộng đồng, vì nó liên quan đến cảm nhận của tập thể.
3. Thành công là hiện tượng gắn bó
Năm 2017 bức tranh nổi tiếng Christ (về Chúa Jesus) được bán với giá 450 triệu USD. Nhưng lần bán trước đó vào năm 2005, bức tranh đó trị giá chỉ ... 10,000 USD. Điều gì giải thích cho sự gia tăng giá trị của bức tranh? Trước đó và cho đến năm 2005, người ta nghĩ rằng tác giả của bức tranh là học trò của danh họa Leonardo da Vinci, thế nhưng sau này thì qua đánh giá khoa học người ta mới biết tác giả là Leonardo da Vinci. Đó chính là lí do giải thích tại sao bức tranh có giá trị cao như thế.
Event hàng tuần của group Growth Mastermind
Bức tranh Mona Lisa được xem là một tác phẩm họa nổi tiếng nhất từ cổ chí kim, nhưng ít ai biết rằng tác phẩm này cũng từng có một thời gian hẩm hiu. Tác phẩm này được trưng bày trong viện bảo tàng Louvre (Pháp) như nhiều tác phẩm khác. Những năm 1911, Mona Lisa bị ăn trộm, và cả thế giới truy tìm thủ phạm, thậm chí có lúc danh hoạ Picasso bị bắt vì nghi ngờ là kẻ tòng phạm, và vậy là bức tranh trở nên nổi tiếng. Các chuyên gia ước tính rằng nếu bức tranh được đem ra đấu giá thì nó có giá trị 1.5 tỷ USD!
Cũng giống như cái đồng hồ hiệu Rolex 6062 của vua Bảo Đại. Tuy giá trị thị trường của cái đồng hồ đó có thể không quá 50,000 USD, nhưng khi người ta biết chủ nhân của nó là vua Bảo Đại thì giá trị của nó lên đến hơn 5 triệu USD vào năm 2017.
Trong Formula, tác giả thuật một trường hợp rất hay để minh hoạ cho quy luật 'Preferential attachment'. Bản thảo tác phẩm "The Cuckoo's Calling" được tác giả tên là Robert Galbraith nộp cho Nhà xuất bản Orion Books bên Anh. Biên tập viên Kate Mills xem qua bản thảo và thấy cũng hay hay, nhưng không đặc sắc, nên bà từ chối ký hợp đồng xuất bản. Tác giả bèn nộp cho một nhà xuất bản khác, và lần này thì tác phẩm được công bố.
Ngay sau khi tác phẩm được công bố, có nhiều lời đồn rằng tác phẩm đó được J. K. Rowling biên tập (Rowling là người nổi tiếng thế giới qua tác phẩm Harry Potter). Thế là tác phẩm trở nên nổi tiếng. Một nhà nghiên cứu dùng thuật toán thống kê so sánh văn phong của Rowling và Galbraith, và phát hiện nhiều điểm rất giống nhau. Hoá ra, tác giả Robert Galbraith -- được mô tả là một sĩ quan quân cảnh -- chẳng ai khác hơn là bà J. K. Rowling!
Qua sự việc, bà Rowling muốn làm một thí nghiệm xã hội để nói lên rằng nếu một người chưa nổi tiếng muốn thành công thì người đó phải làm việc với một người nổi tiếng.
Thí nghiệm của Rowling thật ra cũng chứng thực cho một thí nghiệm mà nhà văn Stephen King đã làm trước đó 30 năm. Thời đó, King dùng bút danh "Richard Bachman" để xuất bản tác phẩm. Trong sách, tác giả Bachman được mô tả như là một người đẹp trai 'phong trần', từng làm nghề nuôi gà ở bang New Hampshire, và chỉ viết sách vào buổi tối. Cũng như trường hợp của Rowling, tác phẩm mà Stephen King gởi đi dưới bút danh Richard Bach bị loại ngay từ 'vòng gửi xe' bởi nhiều nhà xuất bản.
Tuy nhiên, Bach vẫn xuất bản được 4 cuốn tiểu thuyết, với tổng số sách được bán là 40,000 bản. Thế nhưng một người bán sách phát hiện văn phong của Bach rất giống văn phong của King, và khi thông tin này được đưa ra thì sách bán chạy gấp 10 lần trước đây.
Những câu chuyện trên nói lên một quy luật rằng: thành công là hiện tượng gắn bó. Diễn giải theo cách nói của người Việt chúng ta là 'gần mực thì đen, gần đèn thì sáng'. Đây là quy luật "Preferential Attachment ", người giàu càng giàu hơn (còn gọi là hiệu ứng Matthew trong dịch tễ học). Nếu bạn là người đã đạt được sự danh tiếng trong chuyên ngành, thì bạn có thể sẽ dễ thành công hơn trong tương lai. Nhưng nếu bạn chưa phải là người có danh tiếng, bạn nên liên kết và làm quen với những người danh tiếng.
Bài viết liên quan: Tư duy hệ thống của một nhà quản trị xuất sắc
Người ta có xu hướng nghe những người danh tiếng mà họ biết đến, cho dù những người này có khi nói ra những điều vô duyên. Bài học là nếu bạn chưa phải là người nổi danh nhưng muốn nổi danh thì bạn nên làm việc hay làm quen với những người lừng danh. Bài học này hoàn toàn ứng nghiệm trong khoa học (muốn thành công thì nên đầu quân vào những lab thành công và thầy nổi tiếng), nhưng tôi nghĩ cũng ứng nghiệm cho các lãnh vực khác, kể cả chính trị.
Mấu chốt không phải chỉ ở chỗ bạn biết và giỏi về cái gì, mà còn là bạn biết ai trong cộng đồng.
***
"The Formula" là một cuốn sách hay. Hay là vì tác giả cung cấp những bài học và qui luật mà đa số chúng ta đều có thể cảm nhận hay liên quan. Cách tác giả kể những câu chuyện hết sức hấp dẫn và thú vị. Đọc cuốn sách này các bạn sẽ học được rất nhiều điều (nhưng chưa chắc là đồng ý với tác giả), và những câu chuyện đáng để được mỗi chúng ta suy ngẫm về khái niệm 'thành công'. Để thành công ngoài kĩ năng và thành tích xuất sắc, bạn cần phải có một cộng đồng ('bộ lạc', network) và làm quen hay làm việc với những người đã thành công trong 'bộ lạc' đó.
Đọc xong cuốn sách và đối chiếu với triết lý Phật, các bạn có lẽ cũng như tôi sẽ thấy sự thành công nó chỉ là một sản phẩm của Duyên Khởi (cái này lệ thuộc cái kia), nó không có thật (Tánh Không), hay nếu có thì mang tính Vô Thường.
Nguồn: Hung Dang