Ôm mộng Shark Tank - một ước mơ lớn hay một giấc mơ lớn?

Mọi người có thể tham gia group Tăng Trưởng Thực Chiến để đọc thêm các bài viết tương tự nhé.

Trải qua 5 mùa phát sóng trên truyền hình, Shark Tank không còn là cái tên lạ với bất kể doanh nhân đất Việt nào. Với mục đích kết nối các nhà đầu tư với Startups, chương trình định hướng “Nâng cao tinh thần khởi nghiệp cộng đồng” và tạo cơn sốt lớn với hơn 1200 hồ sơ đăng ký tham dự vào mùa 4, bao gồm các Startups trong và ngoài nước.

“Kiếm lời không phải mục đích duy nhất khi tham gia Shark Tank” - Shark Phú

Nhiều CEO ứng tuyển đã không ngại chia sẻ sự thật: Điều quan trọng mà startup cần chưa hẳn là tiền, mà là kiến thức và kinh nghiệm, làm sao để đi đúng hướng trong một thời gian nhanh nhất. Một vài ý kiến khác cho rằng việc được lên hình trên Shark Tank phần lớn là để tăng độ nhận diện thương hiệu trước hàng triệu khán giả.

Cứ lên sóng là sẽ thành công?

Tháng 5/2022 vừa rồi cư dân mạng rò rỉ thông tin “Shark Tank không giải ngân” “Shark Tank lùa gà” “Hỗ trợ khởi nghiệp chỉ là phong trào” với số vốn thực rót cho các Startup chỉ khoảng hơn 21 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% so với cam kết trên truyền hình trong mùa 4.

Thực tế đã cho thấy không phải doanh nghiệp nào chốt deal với Cá Mập cũng sẽ được mãn nguyện. Như sản phẩm Dầu Lạc Tâm Trường Sinh mùa 4, các Shark không ngừng cảm thán sản phẩm trên truyền hình và chốt deal đầu tư 10 tỷ đồng cho 35% cổ phần của Shark Liên và Shark Phú, giờ chỉ còn lại mức nhận diện nghèo nàn và chẳng mấy thu hút người dân mua ủng hộ từ góc nhìn Marketing: Website, fanpage “bị bỏ hoang”, chỉ xuất hiện trên 1 vài kênh bán hàng online nhỏ. Một kết quả đáng buồn dù đây là sản phẩm được đánh giá là đem lại nhiều giá trị thiết thực.

Hay như** case Umbala.Tv**, cũng từng gây ấn tượng với công chúng về ứng dụng quay video với các hiệu ứng kỹ xảo, tính năng độc đáo và được hai Shark Trần Anh Vương cùng Shark Nguyễn Ngọc Thủy cam kết đầu tư 260.000 USD (gần 6 tỷ đồng) cho 15% cổ phần. Thế nhưng, sau khi bị đàn em Tiktok “ăn thịt”, công ty lui về ở ẩn và tuyên bố “hồi sinh” với Umbala Network - nền tảng công nghệ Blockchain liên quan đến camera.

"Thắng thua là chuyện thường tình của binh gia" - Nguyễn Minh Thảo, Founder kiêm CEO Umbala Network nhận định.

“Cuộc chiến trong thị trường người dùng cuối không đơn giản chỉ bài toán công nghệ, mà đó là cuộc chiến về vốn. Umbala.Tv xuất phát là một công ty công nghệ Việt Nam, số vốn quá nhỏ bé so với số vốn của các công ty Trung Quốc. Bài toán gọi vốn gặp quá nhiều rào cản ở tại chính Việt Nam, đơn giản là tâm lý đầu tư của người Việt vào công nghệ cũng không có niềm tin dài hạn, đôi lúc chỉ nhìn vào những lợi ích ngắn hạn mà bỏ đi tầm nhìn tỷ đôla của công nghệ Việt.”

Như vậy, có thể thấy rằng việc sở hữu một sản phẩm tốt hay cơ hội được biết đến bởi hàng triệu người hoàn toàn không quyết định được tính sống chết của một doanh nghiệp Startup. Chưa kể đến những doanh nghiệp tên tuổi khác cùng gặp “cú sốc” Shark Tank, lỗ đến hàng chục tỷ đồng như Luxstay, Soya Garden, We Escape,...

Lý do các doanh nghiệp bị chê “99% thất bại - 1% hên xui” khi tham gia Shark Tank

1. Không có định hướng rõ ràng về tài chính

Làm kinh doanh giai đoạn đầu, không phải ông CEO nào cũng nắm rõ được tình hình tài chính khi mà doanh nghiệp còn đang bận tập trung ở khâu sản phẩm, khâu bán hàng. Kẽ hở này bị nhìn thấy rõ qua cách trả lời thiếu chắc chắn của các chủ doanh nghiệp khi đối diện với những câu hỏi sâu từ các Shark.

2. “Cả thèm chóng chán” - lãng phí đồng tiền

Đây là nhận định của ông Trịnh Thành Nhơn - Chủ tịch HĐQT Công ty ICC, Nhà sáng lập thương hiệu Kem đánh răng Dạ Lan trong hội thảo Shark Tank Seminar 2019 diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh.

Theo "Cá Mập y tế", khởi nghiệp rất khó khăn, nếu như cả thèm chóng chán sẽ dễ thất bại. Tiền cũng rất quan trọng nhưng tuyệt đối không phải là tất cả. Hơn nữa nhiều người có vốn nhưng cũng không có kế hoạch sử dụng vốn, nên cho dù có kêu gọi được 2 tỷ mà không biết phân chia hợp lý cho nhà kho, nhân công, truyền thông,.. thì coi như bỏ.

Shark Bình nhấn mạnh: “Tiền nhiều khi là thuốc độc đối với các Startup. Có những cây ngoài sa mạc tưới nhỏ giọt thì sống lâu, nhưng có cây đổ ào ào cả nước và phân vào thì lại chết.”

3. Định giá doanh nghiệp vô lý - Giá hay giá trị?

Doanh nghiệp mang nhiều “ảo tưởng” về doanh nghiệp của mình mà đưa ra những lời đề nghị trên trời. Giá trị của doanh nghiệp/dự án không chỉ nằm ở các chỉ số lợi nhuận mà dựa trên nhiều góc nhìn khác nhau, nhưng kết quả các phép tính dẫu sao cũng chỉ là tham số.

4. Đầu tư Truyền thông - Marketing sai cách

Doanh nghiệp kì vọng bỏ vốn lên truyền hình để thu lại mức nhận diện lớn giúp bán hàng nhanh. Nhưng trên thực tế việc đầu thư sai còn có thể đem lại tai tiếng không mong muốn cho doanh nghiệp, hoặc mất doanh nghiệp hàng trăm triệu vốn mà không hiệu quả.

Như vậy, câu hỏi đặt ra là: Tham gia Shark Tank để làm gì khi phần lớn đều thất bại?

Không những mất tiền đầu vào mà còn “tan xác” đầu ra? Với thông tin X00 triệu số tiền “vốn” bỏ ra để tham gia Shark Tank, nhiều người cho rằng thà đầu tư Marketing, đầu tư tuyển dụng nhân sự chất lượng còn đáng tiền hơn việc xuất hiện vài phút trên sóng truyền hình với sự ảo tưởng danh vọng. Thế nhưng câu trả lời cuối cùng là gì, chỉ những ai đã từng trải qua mới có thể thấu.

Nguồn: Đoàn Văn Khánh

Xem thêm: 

Làm thế nào để kêu gọi vốn đầu tư

Có số vốn lớn, Startup sẽ làm gì?

Sam Altman nói về Startup và ý tưởng tốt

← Bài trước Bài sau →