MÔ HÌNH TÀI CHÍNH ĐẦY ĐỦ GỒM NHỮNG GÌ?
- Người viết: Anh Dao lúc
- Tin tức
Hoạch định mô hình tài chính công ty là việc hoạch định kết cấu tài sản, kết cấu nguồn vốn, kết cấu chi phí trong công thức tính lợi nhuận.
Hãy cùng phân tích từng phần việc cụ thể cần làm để thiết lập mô hình tài chính tối ưu!
PHẦN 1: THIẾT LẬP BẢNG KẾT QUẢ SẢN XUẤT KINH DOANH (KQSXKD)
Kết cấu của bảng KQSXKD được chia làm 3 mục lớn:
1 là doanh thu
2 là chi phí
3 là lợi nhuận
Mặc dù có nhiều khoản mục chi phí cần theo dõi chi tiết nhưng thực tế, đa số kế toán tập hợp chi phí không đúng khoản mục, lẫn lộn giữa chi phí tài chính, chi phí bán hàng, giá vốn, chi phí quản lý,… Nếu ta chỉ quan tâm tới kết quả lợi nhuận hoặc chỉ quan tâm đến báo cáo thuế thì việc lẫn lộn chi phí không vấn đề gì vì cuối cùng kết quả lợi nhuận vẫn vậy.
Nhưng nếu đứng ở góc độ của người quản trị chi phí, ta sẽ thấy việc phân loại rõ ràng từng khoản mục chi phí sẽ góp phần nâng cao chất lượng quản trị chi phí. Quản trị chi phí là quản trị kết cấu chi phí, giá trị nhưng ứng với tỉ lệ của nó.Nếu trong quản trị tài chính chỉ quản trị con số thôi thì hoàn toàn mang tính không bền vững.Cái hay của quản lý chi phí là ta quản lý kết cấu chi phí, tỉ lệ của từng khoản mục so với doanh thu, so với tổng chi phí chứ không phải tính ra lợi nhuận bằng bao nhiêu?
Nhiệm vụ ở phần này là ta xây dựng bảng KQSXKD, tiếp theo là xây dựng từng khoản mục chi phí ở trong đó để cấu thành nên doanh thu thì từng khoản mục phí chiếm bao nhiêu % so với tổng chi phí, chiếm bao nhiêu % so với Doanh thu thuần. Chỉ cần quản lý thật chặt cái đó thì kế toán trưởng mới thực hiện đúng vai trò của kế toán trưởng.Bởi quản trị chi phí là một trong những vai trò quan trọng của kế toán trưởng.
Làm kinh doanh là phải chi li chi phí, nhưng đừng hiểu lầm chi li là từng khoản chi phí là tôi phải xem xét kỹ từng khoản chi phí li ti, từng món tiền vệ sinh, điện nước,…. Quản trị chi phí là tôi giao khoán cả cục, ví dụ giao HCNS toàn bộ chi phí vận hành văn phòng 12tr/ tháng. Khi nhân viên tiết kiệm được, tôi thưởng 50% số tiết kiệm, vượt thì yêu cầu nhân viên bỏ tiền đền. Nhưng muốn hoạch định được cái đó, ta phải có tỉ trọng chi phí trên doanh thu, nếu không cố định tỉ lệ trên Doanh thu thì tôi cố định bằng định mức giá trị.
Tóm lại, việc hoạch định mô hình tài chính công ty đơn giản là việc hoạch định kết cấu tài sản, kết cấu nguồn vốn, kết cấu chi phí trong công thức tính lợi nhuận. Trong khung mô hình kinh doanh ta có một trụ là tài chính, bên trái là dòng doanh thu, bên phải là dòng chi phí, cơ cấu chi phí đó là tổng hợp của bảng mô hình tài chính - P01
PHẦN 2: ĐIỂM HÒA VỐN
Doanh thu, sản lượng phải đạt bao nhiêu thì lợi nhuận = 0.
Sau khi đã đạt điểm hòa vốn thì sản phẩm nào bán ra là lời sản phẩm đó, vì chi phí cố định đã được bù đắp xong, lúc đó chỉ cần bán cao hơn chi phí biến đổi / 1 sản phẩm là bạn lời rồi. Nếu không biết được điểm hòa vốn ở đâu thì bạn sẽ không quyết định được giá, đừng bắt chước thấy người khác giảm mình cũng giảm. Họ giảm sau hòa vốn họ vẫn có lãi, mình giảm trước hòa vốn là lỗ.
PHẦN 3: THIẾT LẬP CƠ CẤU CỦA BẢN CÂN ĐỐI
Nếu bạn không có chuyên ngành Tài chính kế toán, chúng tôi khuyên bạn không cần cố gắng tìm hiểu Bảng cân đối kế toán (BCĐKT) ở mức chi tiết, hãy đọc BCĐKT ở dạng tóm tắt.
Mô hình tài chính phần 1 đơn giản là đưa ra kết cấu/ tỉ lệ phân bổ tài chính vào các phần:
Tài sản ngắn bao nhiêu?
Tài sản dài bao nhiêu?
Vốn góp bao nhiêu?
Nợ phải trả bao nhiêu?
Vay ngân hàng bao nhiêu?
Điều đó có nghĩa là ta đưa ra tỉ lệ chuẩn cho các chỉ tiêu tài chính, tỉ lệ chuẩn đó giúp công ty ta vận hành ở mức trơn tru, giúp chúng ta không phải huy động lượng vốn quá lớn so với khả năng. Bởi trong 6 lựa chọn chiến lược tài chính, ta có lựa chọn cân đối tài sản, vì thiết lập mô hình tài chính là lựa chọn cân đối tài sản và cấu trúc vốn.
Bất kỳ doanh nghiệp nào dù nhỏ hay lớn thì BCĐKT đều được kết cấu 2 phần: phần 1 là tài sản, phần 2 là nguồn vốn, tài sản được cấu thành bởi 2 phần nhỏ: tài sản ngắn hạn, tài sản dài hạn, phần nguồn vốn gồm vốn chủ sở hữu và nợ phải trả.
Khi đọc BCĐKT: Đầu tiên, ta lướt nhìn khúc giữa để biết tổng tài sản bằng bao nhiêu? Tiếp theo nhìn đến tổng nợ phải trả bằng bao nhiêu để biết tỉ trọng của nó trong tổng tài sản. Thứ 3, nhìn nợ phải thu ở 2 phần phải thu ngắn nằm ở tài sản ngắn, Phải thu dài ở tài sản dài. Thứ 4, xem hàng tồn kho đang bằng bao nhiêu? Tập trung nhìn 4 thông số đó, sau đó lấy thông số đó chia cho tổng vốn, chia cho tổng của từng phần nhỏ (tài sản ngắn hạn, TS dài hạn, nợ phải trả ngắn hạn, nợ phải trả dài hạn) thì chúng ta bắt đầu mường tượng ra tình hình tài chính của công ty.
Nhìn 4 chỉ tiêu đó, ta bắt đầu có những hình dung đầu tiên về quy mô tài sản và cách bố trí tài sản trong công ty, sau đó mới đi tìm hiểu tiếp xem từng cái chi tiết là gì?
Ví dụ: Tổng Tài sản của tôi là 100 tỷ, nợ phải trả 90 tỷ, nợ phải thu 20 tỷ, HTK 70 tỷ thì phải xem dự trữ hàng tồn kho có nằm trong toan tính hay không?
Như vậy, đọc BCTC không đáng sợ như chúng ta nghĩ. Nhưng xin thưa, BCĐKT mới chỉ nói cho anh chị biết công ty của anh chị về mặt quy mô to đến đâu, tài sản từ đâu ra, được phân bổ theo cấu trúc nào, chứ chưa hề chỉ cho anh chị thấy lợi ích hoặc hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Muốn biết hiệu quả sản xuất kinh doanh, ta xem lại phần thứ 1 là Dụ báo Bảng kết quả sản xuất kinh doanh (KQSXKD).
PHẦN 4: DỰ BÁO DÒNG TIỀN
Tôi luôn nhấn mạnh rằng, kiếm tiền phải đi đôi với giữ tiền. Kết quả thống kê ở Mỹ cho thấy 82% các DNNVV thất bại do gặp vấn đề về dòng tiền. Lợi nhuận tạo ra dòng tiền nhưng lợi nhuận và dòng tiền không luôn tỷ lệ thuận, không phải có lợi nhuận là có tiền nên việc lập kế hoạch dòng tiền giúp chúng ta trả lời được câu hỏi: “Tại sao làm hoài không thấy tiền đâu?”, “Doanh nghiệp báo cáo lãi nhưng vẫn phá sản?”.
Theo Peter Drucker – cha để của quản trị hiện đại: “Nhiều chủ doanh nghiệp khởi nghiệp cho rằng lợi nhuận là quan trọng nhất đối với mọi doanh nghiệp. Tuy nhiên, lợi nhuận chỉ ở vị trí thứ hai. Dòng tiền là quan trọng nhất”. Nếu không có lợi nhuận, doanh nghiệp chết từ từ, nhưng không có tiền doanh nghiệp sẽ chết ngay bởi dòng tiền là dòng máu như cơ thể con người mất máu, bạn sẽ chết. Dòng tiền âm thường xuyên sẽ xóa sổ 1 doanh nghiệp.
Khi lập kế hoạch dòng tiền, nhà quản trị sẽ chuẩn bị trước các kịch bản dòng tiền, chủ động thanh toán và thu hồi công nợ, chi tiêu có kỷ luật, tránh được nguy cơ phá sản. Dựa vào đó, chủ doanh nghiệp biết được từng tháng thu được bao nhiêu, chi ra bao nhiêu? Liệu thu có đủ bù chi không? Khi nào thiếu tiền? Thiếu tiền thì thiếu bao nhiêu, xây dựng mối quan hệ với ai, có tài sản đảm bảo không, lãi vay bao nhiêu? Kết quả kinh doanh có lãi nhưng tiền không thấy đâu thì động thái là gì: chính sách tín dụng khách hàng, nhà cung cấp, dự trữ tồn kho đã hợp lý chưa? Ngược lại, nếu thừa tiền thì khi nào thừa, thừa bao nhiêu, lúc ấy Doanh nghiệp sẽ lập sẵn kế hoạch đầu tư cho khoản tiền đó thay vì gửi ngân hàng lãi chẳng bao nhiêu. Thiếu kế hoạch dòng tiền, doanh nghiệp rất khó kiểm soát và dự báo nhu cầu tiền để có kế hoạch tài trợ cho những thời điểm thiếu tiền. Nếu doanh nghiệp của bạn đã trải qua khó khăn trong covid 19 chắc chắn bạn hiểu rõ tầm quan trọng hơn ai hết. Và chìa khóa quan trọng để quản trị dòng tiền chính là lập kế hoạch dòng tiền. Quản trị dòng tiền là 1 trong những chìa khóa thành công trong vận hành doanh nghiệp.
Để lập được dự báo dòng tiền và dự báo cân đối kế toán, doanh nghiệp cần lập các kế hoạch thành phần chi tiết: kế hoạch bán, kế hoạch công nợ, kế hoạch tồn kho, kế hoạch vay, kế hoạch đầu tư mua sắm, kế hoạch chi phí nhân sự, kế hoạch vốn, kế hoạch marketing, kế hoạch thuế… Việc này đòi hỏi kế toán cần nâng tầm quản trị, trang bị tư duy tổng hợp, kết nối số liệu, nắm được mục tiêu quản trị, hiểu câu chuyện kinh doanh, kết nối kinh doanh và tài chính.
Nguồn: BOS Học viện quản trị doanh nghiệp