Làm thương hiệu cho Startup
- Người viết: Huyền Phương lúc
- Tin tức
Mọi người có thể tham gia group Tăng Trưởng Thực Chiến để đọc thêm các bài viết tương tự nhé.
Thương hiệu là khái niệm bị nhiều startup founder hiểu nhầm và làm sai cách. Ngay cả ở các lò đào tạo hàng đầu như Y Combinator, nội dung về xây dựng thương hiệu cũng không được đề cập một cách đúng mức. Bài viết này mình tóm tắt một vài ý cóp nhặt được từ cuốn Lean Branding và kinh nghiệm cá nhân về làm thương hiệu cho startup.
Thương hiệu là gì? Thương hiệu là những điều người ta nói về sản phẩm của bạn khi bạn không có mặt ở đó. Nó chắc chắn không phải là logo, slogan hay những câu chuyện trên báo chí. Nó thậm chí cũng chưa chắc là trải nghiệm sản phẩm mà bạn cố gắng xây dựng. Nó là sự trộn lẫn giữa trải nghiệm mà bạn muốn đưa vào sản phẩm và câu chuyện riêng của mỗi người dùng.
Thương hiệu là thứ sẵn có gắn với mỗi sản phẩm dù bạn có "làm thương hiệu" hay không. Bạn để ý chăm sóc thì nó chỉn chu, bạn không chăm sóc thì nó vẫn ở đó, hoang dại và lộn xộn như cách cảm nhận của mỗi người về nó.
Startup giai đoạn đầu đi tìm market fit sẽ phải quay cuồng trong các vòng lặp "xây dựng - đo lường - học hỏi", phải đi gặp từng khách hàng, nói chuyện với họ để biết mình sẽ dừng ở giá trị nào, sản phẩm nào, phân khúc nào... Lúc này thì việc xây dựng thương hiệu là chưa cần thiết vì chính bạn cũng còn đang chưa viết xong câu chuyện của mình.
Tuy nhiên ngay khi bạn đã định hình được sản phẩm dịch vụ, phân khúc khách hàng tiềm năng, đề xuất giá trị... thì cũng là lúc nên nghĩ đến việc làm thương hiệu. Bộ nhận diện, tính cách, câu chuyện, lời hứa thương hiệu... càng được làm chu đáo bao nhiêu thì càng có cơ hội tạo được cảm nhận của khách hàng về sản phẩm ổn định và đúng hướng bấy nhiêu. Tại sao điều này lại quan trọng đến vậy? Vì bạn mong muốn khách hàng kể cho bạn bè câu chuyện giàu cảm xúc về sản phẩm của mình sau những gì họ trải nghiệm. Điều đó không chỉ dừng ở lúc họ mua, dùng sản phẩm mà còn mãi về sau, mỗi khi họ nghe, nhìn thấy về sản phẩm và nhu cầu liên quan đến nó, cảm xúc vẫn còn rõ ràng không lẫn lộn giúp họ củng cố thêm niềm tin để chia sẻ. Hẳn bạn biết việc được truyền miệng quan trọng đến thế nào rồi.
Khi bắt đầu "làm thương hiệu", bạn có thể bối rối với những tư vấn về màu sắc, biểu tượng logo, tên thương hiệu... Đừng mất quá nhiều thời gian cho việc đó. Máy tính Quả Táo, bia Con Hổ, hay nhãn thời trang nói nhại một câu chửi thề vẫn bán chạy như tôm tươi. Khi bạn làm sản phẩm dịch vụ đủ tốt, những thứ gắn trên nó sẽ mất đi ý nghĩa nguyên bản và chỉ còn đơn thuần là ký hiệu. Thông điệp, câu chuyện và lời hứa thương hiệu có thể quan trọng hơn khi nó phải mô tả rõ ràng, khúc triết những gì bạn muốn khách hàng cảm nhận. Nhưng sự chu đáo tỉ mỉ trong mỗi tương tác với con người vẫn là quan trọng nhất. Hãy đầu tư làm dịch vụ thật tốt để khách hàng tự viết nên câu chuyện hấp dẫn về thương hiệu của bạn. Đó sẽ là những câu chuyện hay và đầy màu sắc mà không có copywriter nào có thể thay thế.
Mình viết ra những thứ chưa làm được để tạo ra một món "nợ miệng" cho bản thân. Nói thì hay nếu sau này làm không ra gì chẳng phải là kẻ chỉ biết chém gió sao?
Nguồn: Hung Dang
Xem thêm: