Kinh nghiệm tự học hiệu quả
- Người viết: Hà Thương lúc
- Tin tức
Bài chia sẻ của An Thùy, thành viên trong chương trình "How to train dragon"cùng A1Demy.
Tuần qua, anh Lê Anh Tuấn đã post một bài viết về chủ đề tự học và nhận được nhiều chia sẻ vô cùng bổ ích từ các bạn. Mình xin mượn quá trình tự học khá logic của bạn Minh Công Đoàn để tổng hợp thành một quy trình tự học như sau:
Input:
Đây là các kiến thức, thông tin dạng lý thuyết mà mình sẽ tiếp nhận. Các thông tin có thể đến từ nhiều nguồn như sách, báo, Internet, chia sẻ từ các chuyên gia đã có kinh nghiệm qua các group hoặc các webinar về lĩnh vực mình đang muốn học. Nếu cảm thấy chưa tìm đủ thông tin mình muốn có thể dùng Google translate để tìm thêm các bài báo chuyên ngành ở quốc gia mạnh về lĩnh vực đó. Ví dụ: Đọc báo bên Đức để tìm những kiến thức chuyên sâu về sản xuất oto, đọc báo bên Trung để xem lĩnh vực công nghệ của nó như AR, AI, IoT giờ lớn mạnh thế nào.
Chọn lọc kiến thức thế nào? Mình sẽ đặt ra những tiêu chí đối với thông tin mình hấp thụ. Ví dụ: Chọn các tài liệu từ những người có tiếng, có kết quả thực ở trong ngành (anh Tuấn là một điển hình). Tài liệu có tính thực tế (có mục đích, có step-by-steps, minh họa). Tài liệu có thêm phần references, hoặc gợi ý tài liệu khác,...Về tiêu chí sẽ tùy vào mỗi người, tùy vào giai đoạn mà có những tiêu chí khác nhau.
Sau khi đọc tài liệu cần đảm bảo bản thân hiểu rõ về tài liệu và có thể dùng Notion để hệ thống hóa mọi thông tin mình đã thu nạp. Ví dụ: Trong file ngành Marketing, mình sắp xếp nội dung bài học của mình theo thứ tự các chương của cuốn sách siêu nổi tiếng là Principles of Marketing của Philip Kotler, sau đó có phần nào mình học thêm mình sẽ take note vô đúng tệp của chương đó.
Process:
Sau khi tiếp thu input, mình sẽ vận dụng cái input vào các đầu việc.
Khi hoàn thành được đầu việc, nếu có người check cho mình thì sẽ rất tốt, mình sẽ biết được mình cần sai và sửa chỗ nào. Còn nếu không có người check thì mình sẽ thử thay đổi một vài điểm trong đầu việc để xem kết quả những lần sau thế nào (giống với test A/B).
Hoặc mọi người có thể tham gia các cuộc thi để vừa có thể vận dụng kiến thức của mình giải một bài case hoàn chỉnh, vừa được mentor/giám khảo cuộc thi đó đưa ra những feedback mình cần khắc phục.
Output:
Khi các đầu việc kết thúc và có kết quả (tốt và chưa tốt), mình có thể ghi lại những kiến thức phát sinh trong quá trình làm việc. So sánh công việc đã hoàn thành của mình với người khác, nếu chưa tốt thì đặt câu hỏi điều gì khiến công việc của họ lại có két quả tốt, họ làm khác mình ở những chỗ nào... từ đó tìm ra các yếu tố để cải thiện trong quá trình process.
Ghi lại những kinh nghiệm bản thân tự đúc rút, thi thoảng lôi ra đọc hoặc chia sẻ để mọi người tham khảo và phản biện.
Một cách để mọi người có thể nhớ kiến thức mình đã học một cách lâu dài đó là chia sẻ những kiến thức mình đã học được cho người khác. Vì trong quá trình mình chia sẻ mình có thể ôn lại những kiến thức đó một cách hệ thống để truyền đạt lại cho người khác.
Một số mẹo nhỏ giúp mọi người có động lực để tự học:
Tìm cho mình một môi trường học tập cùng những người giỏi để tự tạo ra áp lực thúc đẩy mình phải luôn cố gắng.
Nếu học một mình quá chán và thiếu động lực mình đề xuất mọi người có thể xem các video study with me trên youtube, đặc biệt là kênh của anh James Scholz - người thường xuyên livestream quá trình học tập dài đến 12 tiếng đồng hồ của mình.
Nếu quá khó để bắt đầu mọi người có thể xem thử video Học bất kỳ điều gì trong 20 giờ đầy cảm hứng tại đây: https://www.youtube.com/watch?v=5MgBikgcWnY