7 cách quản trị nhân sự giúp founder vượt qua rủi ro lớn nhất trong Startup
- Người viết: Huyền Phương lúc
- Tin tức
Bài viết do anh Le Van Thanh recap lại 1 bài trong chương trình Google for Startups + thêm 1 vài ví dụ cá nhân.
55% công ty khởi nghiệp thất bại vì các vấn đề liên quan đến nhân sự, theo các nghiên cứu của ĐH Harvard, Stanford và Chicago. Nên có thể nói nhân sự là rủi ro lớn nhất đối với các công ty khởi nghiệp.
7 cách dưới đây có thể giúp các founder vượt qua chướng ngại này (Click vào từng ảnh để đọc nội dung chi tiết.
1. Đối xử với nhân sự chủ chốt như với những tình nguyện viên.
Những người tốt nhất giống như những tình nguyện viên, họ làm việc say mê cho một nhiệm vụ khó khăn nhưng ý nghĩa. Họ có nhiều lựa chọn, làm việc cho doanh nghiệp của bạn hay cho doanh nghiệp khác. Nếu mọi người rời bỏ công ty của bạn thì chủ yếu là do người quản lý chứ không phải vì công ty. Thường xuyên trò chuyện, nắm bắt tâm tư của nhân viên sẽ khiến họ cống hiến hết mình.
Cá nhân tôi thường xuyên làm cố vấn cho các startup hay làm diễn giả chia sẻ tại các sự kiện. Chủ yếu là vì bản thân tôi yêu thích công việc hỗ trợ mọi người chứ chưa bao giờ vì thù lao mà Ban tổ chức chi trả.
Tương tự, các startup chắc chắn không đủ tài lực để trả lương tương xứng cho những người giỏi. Nhưng nếu “gãi đúng chỗ ngứa” có thể rất nhiều người giỏi sẽ “tình nguyện” làm việc cùng bạn vì một mục tiêu lớn.
2. Giữ nhóm tập trung, tránh khỏi sự phân tâm
Trong khi những người sáng lập thường có xu hướng phân tâm bởi những ý tưởng mới liên tục nảy sinh. Những nhà sáng lập thành công thường biết cách loại bỏ những ý tưởng gây nhiễu và tập trung hết sức vào một việc.
Khi làm MoneyOI và OmAhHum tôi đã rất thấm điều này. Team phát triển sản phẩm mất rất nhiều thời gian để thực thi một ý tưởng nào đó từ tôi. Trong khi họ chưa kịp hoàn thiện thì tôi đã nghĩ ra bẩy bẩy bốn chín ý tưởng khác và thảo luận với họ. Sau một thời gian team sản phẩm bị stress nặng do bị phân tán vào nhiều thứ khác nhau, tôi thì buồn vì sản phẩm không hoàn thành đúng tiến độ.
Sau này rút kinh nghiệm, tại một thời điểm tôi để team sản phẩm tập trung phát triển 1 thứ duy nhất. Tôi sẽ có 1 danh sách các ý tưởng của riêng mình, chờ team sản phẩm hoàn thiện ý tưởng trước đó rồi mới tiếp tục thảo luận ý tưởng mới. Đặt rõ mục tiêu và thứ tự ưu tiên giúp nhóm có động lực làm việc, hiệu suất cao và tinh thần tốt hơn.
3. Giảm thiểu việc quản lý tiểu tiết, tủn mủn (micro-management)
Mặc dù quản lý vi mô có thể hữu ích trong một số tình huống nhất định. Nhưng nếu Founder, CEO quản lý quá tiểu tiết thường sẽ hạn chế việc ủy quyền công việc, khiến nhân viên stress và hạn chế sự sáng tạo của nhân viên. Dữ liệu nghiên cứu chỉ ra rằng quản lý tiểu tiết, tủn mủn thường là một lỗ hổng chết người đối với các CEO. Nhiều nhân sự rời bỏ startup chỉ vì không chịu được sử quản lý quá tiểu tiết của người quản lý.
4. Khuyến khích sự “không đồng ý” trong tổ chức
Một startup muốn phát triển cần phải có sự xung đột về ý tưởng. Nếu mọi người luôn đồng ý với mọi ý kiến bạn đưa ra đó có thể là 1 dấu hiệu xấu cho sự phát triển của công ty.
Dữ liệu nghiên cứu chỉ ra rằng các founder thường đánh giá thấp việc trao cơ hội cho nhân viên được quyền nói lên ý kiến của họ, trong khi nhân viên lại đánh giá cao điều đó.
Xung đột về tính cách là điều nên tránh nhưng cần khuyến khích sự xung đột về ý tưởng. Nên thường xuyên có những buổi trò chuyện trao đổi mở. Trao đổi và phản biện giúp các ý tưởng trở nên rõ ràng hơn và là nền tảng cho sự sáng tạo.
5. Đảm bảo công bằng giữa các thành viên
Các kỳ vọng bị vi phạm là nguồn xung đột chính. Những người đồng sáng lập thành công thường tiến hành trao đổi công khai, thảo luận và ghi lại những gì họ mong đợi từ đối phương. Họ cũng thường xuyên kiểm tra lại để đánh giá sự kỳ vọng từ 2 phía để đảm bảo hài hòa lợi ích.
Nhiều nhóm startup ở Việt Nam thường hợp tác rất tốt trong những thời điểm khó khăn. Nhưng dễ chia rẽ do xung đột lợi ích khi vừa chớm thành công.
6. Bắt kịp với chuyên môn
Các nhà lãnh đạo cần biết đủ về từng vai trò để thuê đúng người và giúp phát triển nhóm của họ. 93% những người sáng lập thành công có chuyên môn kỹ thuật để quản lý hiệu quả công việc.
Steve Job sáng lập Apple, Bill Gates sáng lập Microsoft, Elon Musk sáng lập Tesla, Larry Page sáng lập Google, và nhiều tên tuổi trong lĩnh vực công nghệ khác đều có chuyên môn rất cao.
Để startup thành công trong lĩnh vực công nghệ nhất định phải có 1 chuyên gia công nghệ trong nhóm đồng sáng lập
7. Vượt qua sự chán nản
Trong khi hầu hết mọi người nghĩ rằng sự tự tin sẽ phát triển theo thời gian. Nhưng dữ liệu của chúng tôi chỉ ra rằng những người sáng lập hiệu quả nhất cũng không tự tin hơn những người sáng lập thất bại. Nhưng có một điều khác là, họ biết cách một hệ thống hỗ trợ và biết cách tìm kiếm sự giúp đỡ để vượt qua sự thiếu tự tin.
“Làm việc có kỷ luật quan trọng hơn làm việc theo cảm hứng.” * Câu này dành nhắc riêng cho tôi.
Singapore, 19/10/2022
Michael - Kỹ sư Google
----
Nguồn: Anh Le Van Thanh